Non classé

Tổng thống Iceland: Vấn đề của VN là tận dụng giá trị nguồn cá

Tổng thống Iceland Ólafur Ragnar Grímsson chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm của Iceland trong chiến lược phát triển ngành thủy hải sản một cách hiệu quả và thành công trong chuyến thăm TP.HCM.

Sáng 06-11, Tổng thống Iceland Grímsson đã tới tham dự hội thảo “Xây dựng thành công ngành đánh bắt và chế biến thủy hải sản – Bài học của Iceland” do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.


Ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch VCCI kiêm Giám đốc VCCI-HCM phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch VCCI kiêm Giám đốc VCCI-HCM khẳng định đây là một trong những ngành kinh tế có triển vọng phát triển cao và được Chính phủ Việt Nam quan tâm, tập trung phát triển. Do vậy, Chính phủ Việt Nam khuyến khích các dự án công nghiệp hóa, hiện đại hóa đối với các hoạt động đánh bắt, chế biến thủy hải sản. Với thế mạnh của Iceland trong ngành đánh bắt và chế biến thủy hải sản cùng trình độ công nghệ và kỹ thuật hiện đại, kết hợp với các lợi thế vốn có của Việt Nam, cơ hội hợp tác song phương là rất tiềm năng và mang lại lợi ích to lớn.

Từ thô sơ sang hiện đại

Phát biểu tại hội thảo, Tổng thống Grímsson cho biết Iceland sở hữu ngành công nghiệp đánh bắt cá vào loại phát triển nhất, công nghiệp cao nhất và bền vững nhất thế giới.
“Iceland là một trong những quốc gia có khả năng bảo vệ nguồn thủy sản một các bền vững qua nhiều thập kỷ. Ngành công nghiệp thủy hải sản của Iceland đạt lợi nhuận cao, các công ty áp dụng nhiều công nghệ hiện đại, đóng góp to lớn cho nền kinh tế đất nước” – ông Grímsson nhấn mạnh.


Tổng thống Iceland Ólafur Ragnar Grímsson chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm của Iceland

Tổng thống Grímsson mô tả ngành công nghiệp thủy hải sản Iceland là sự kết hợp của các ngành khoa học, công nghệ cao, kinh doanh,… Các cộng đồng đánh bắt và khai thác thủy hải sản tại Iceland đều phát triển hiện đại, thịnh vượng.

Từ kinh nghiệm của Iceland, Tổng thống Grímsson khẳng định thách thức đối với ngành công nghiệp thủy hải sản Việt Nam không phải là đánh bắt nhiều cá, mà là tận dụng tối đa giá trị thương mại của nguồn cá.

Ông cho biết cách đây 30 năm, ngành công nghiệp thủy hải sản Iceland hoạt động thiếu hiệu quả, đánh bắt được nhiều cá nhưng lãng phí tới 50% khối lượng đánh bắt vì phải bỏ ruột, da, xương, đầu cá… Nhưng hiện nay, Iceland đã tận dụng tới 99% khối lượng đánh bắt.

“Chúng tôi đã tối đa hóa giá trị của nguồn thủy hải sản. Chúng tôi phát triển công nghệ sinh học mới, tận dụng ruột và da cá để sản xuất các sản phẩm y tế chất lượng cao” – Tổng thống Grímsson tiết lộ.

Ví dụ, một công ty Iceland mới phát triển loại thuốc từ da cá để chữa trị nhiều vết thương khó lành. Và quân đội Mỹ đang xem xét mua sản phẩm này.

“Câu chuyện của Iceland là chuyển đổi từ mô hình đánh bắt và chế biến thô sơ sang mô hình công nghệ cao, tạo giá trị thương mại cao” – ông Grímsson kết luận.

Dựa trên cơ sở khoa học

Ông Johann Sigurjonsson – Giám đốc Viện Nghiên cứu biển Iceland – cho biết chính phủ nước này luôn lắng nghe tư vấn của viện trước khi ra các quyết định chính sách về ngành khai thác và chế biến thủy hải sản.

Ông khẳng định ba trụ cột chính của quản lý thành công nghề cá là kiến thức khoa học, khái niệm quản lý và khuôn khổ luật pháp, và cơ sở hạ tầng.

Chính phủ phải đảm bảo phát triển bền vững trữ lượng thủy hải sản, thông qua chiến lược khai thác với các mục tiêu quản lý rõ ràng và mức độ rủi ro chấp nhận được.

Theo chuyên gia Sigurjonsson, phương thức quản lý ngành thủy hải sản dựa vào khoa học đã được người dân Iceland chấp nhận rộng rãi. Và để quản lý thành công, chính phủ cần có kế hoạch tập trung nghiên cứu và giám sát, đảm bảo sự bền vững và trách nhiệm dài hạn, theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoại trưởng Iceland Gunnar Bragi Sveinsson đánh giá một thỏa thuận thương mại tự do sẽ là nền tảng vững vàng để Iceland và Việt Nam tăng cường hơp tác phát triển ngành thủy hải sản.

Bà Nguyễn Thị Trang Nhung – đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn – đã đề xuất các phương hướng hợp tác trong tương lai gần giữa ngành đánh bắt và chế biến thủy hải sản hai nước.

Nguồn: VCCI-HCM

855 Tổng số lượt xem, 1 ngày hôm nay