Doanh nghiệp mong thủ tục thông quan thông thoáng hơn
(HQ Online)- Mặc dù ngành Hải quan đã đạt được nhiều kết quả về cải cách thủ tục và tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức hải quan được cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá cao, song vẫn còn những vướng mắc trong quá trình thông quan hàng hóa liên quan đến các bộ ngành, DN mong muốn được giải quyết thấu đáo.
Tăng phối hợp
Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 đặt ra yêu cầu rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục thông quan hàng hóa qua biên giới còn 70 giờ đối với hàng hóa XK, 90 giờ đối với hàng hóa NK.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội DN logistics Việt Nam (VLA) thống kê năm 2016, thời gian làm thủ tục hàng hóa XK vẫn còn cao, lên tới 108 giờ và 138 giờ đối với hàng hóa NK. Thời gian vẫn còn cao rõ ràng không hoàn toàn thuộc về ngành Hải quan, bởi thời gian thực hiện thủ tục hải quan đối với một tờ khai/lô hàng tại cơ quan Hải quan chỉ chiếm khoảng 28% thời gian thông quan và không quá 1 ngày làm việc. Thời gian còn lại thuộc về DN và các cơ quan liên quan, trong đó các cơ quan quản lý chuyên ngành chiếm đến 72% thời gian thông quan hàng hóa.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký VLA cho rằng, để giảm thời gian thông quan, việc cải thiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành là vấn đề mấu chốt, nếu không các cố gắng của ngành Hải quan sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Một chuyên gia về thương mại còn cho rằng, trong công tác kiểm tra chuyên ngành, có cơ quan, bộ, ngành còn ra “oai” bằng việc đưa ra danh sách dài thủ tục, gây ảnh hưởng tới thủ tục hải quan.
Trong Báo cáo “Đánh giá cải cách thủ tục hành chính hải quan: Mức độ hài lòng của DN năm 2016”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, một số DN cho rằng về vấn đề kiểm tra chuyên ngành hiện có quá nhiều văn bản chồng chéo, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Hải quan và cơ quan quản lý chuyên ngành, có nhiều giấy phép con… Chính vì thế, không ít DN phản ánh những bức xúc như: Hàng hóa bị kiểm tra mất thời gian, chi phí khi sản phẩm DN mua về phải mang đi một lượng để kiểm tra, lấy mẫu, số hàng hóa còn lại không đủ cung ứng theo hợp đồng. Hoặc có DN cho hay, thông tin yêu cầu đăng ký không rõ ràng, khiến DN mất nhiều thời gian khai đi khai lại… Đây là những tồn tại lâu năm của DN đối với việc kiểm tra chuyên ngành cần được các cơ quan ngồi lại và phối hợp chặt chẽ với nhau hơn nữa.
Tăng phục vụ
“Định hướng cải cách thủ tục hành chính của ngành Hải quan đang đi đúng hướng, nhưng vẫn còn một số văn bản, quy định liên quan đến thông quan hàng hóa do chưa được DN tham gia góp ý đầy đủ nên có những vấn đề chưa sát với thực tế, dẫn đến tiêu cực, gây bức xúc cho DN”, ông Đặng Thế Lưỡng, Tổng thư ký Hiệp hội DN quận Hải An (Hải Phòng) cho hay.
Đại diện một DN hoạt động XNK vật liệu xây dựng tại Nghệ An cho biết, mặc dù việc thông quan đã áp dụng khai báo điện tử nhưng vào thời gian cao điểm, hệ thống này trở nên quá tải, từ đó phát sinh những khó khăn. Bên cạnh đó, mặc dù thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã có nhiều chỉ đạo về cải cách thủ tục hành chính, nhưng xuống tới các cục, chi cục và trực tiếp người thực hiện thì lại xảy ra vướng mắc, nhất là thái độ làm việc của công chức đối với DN, vẫn còn trường hợp chưa coi DN là đối tác.
Từ những vướng mắc này, ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam cho rằng, bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các bộ phận, ngành Hải quan nên có cơ chế giám sát chặt chẽ, nâng cao năng lực, trình độ và nhận thức của cán bộ, công chức toàn Ngành. Chi tiết hơn, vị này còn kiến nghị nên tăng chế độ lương thưởng cho cán bộ, công chức Hải quan bởi họ có khối lượng công việc nhiều, phải trực đêm, làm vào những ngày nghỉ, lễ Tết.
Cùng với vấn đề trên, bà Đặng Thị Bình An, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn thuế C&A cho biết, việc xử lý khiếu nại của DN cần được cải thiện hơn, cần có sự tách bạch để kiểm tra, tăng tính minh bạch và khách quan. Việc trả lời văn bản giải đáp cho DN được nhanh chóng và thường xuyên hơn.
Có thể thấy, những nỗ lực của ngành Hải quan cần được củng cố hơn nữa để đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của DN, để DN thực sự đồng hành, là đối tác, là đối tượng để phục vụ. Tất nhiên, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự quyết tâm chính trị của ngành Hải quan thì các DN cũng cần sự thay đổi trong hoạt động với sự minh bạch, hồ sơ, giấy tờ được rõ ràng, sẵn sàng đứng lên đấu tranh trước những hành vi sai trái khi thực hiện thủ tục hành chính.