Thúc đẩy xuất khẩu bằng nhiều giải pháp
HQ Online- Phóng viên Báo Hải quan phỏng vấn ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) về bức tranh XK 2016.
Năm 2016 tiếp tục được cho là năm khó khăn với hoạt động XK khi nhiều mặt hàng XK chủ lực bị sụt giảm cả về giá và lượng. Theo ông, XK của Việt Nam đã trải qua những khó khăn nào?
Năm 2016, dù không đạt được như mục tiêu 10% đề ra từ hồi đầu năm nhưng kết quả XK vẫn là một nỗ lực đáng ghi nhận mà chúng ta đã đạt được, với mức tăng trưởng khoảng 7,5-7,7%.
Nguyên nhân là do XK phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Cụ thể, kinh tế thế giới không sáng sủa, tăng trưởng kinh tế thế giới thấp khiến các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) liên tục hạ mức tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, kinh tế Trung Quốc giảm, EU không sáng sủa, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực ASEAN tăng trưởng chậm… Nhu cầu NK của thế giới không tăng cao, giá hàng hóa thế giới không tăng, thậm chí còn giảm đối với nhiều mặt hàng khiến cho XK của chúng ta giảm cả về giá và lượng. Do vậy, tổng kim ngạch XK không cao.
Trong khi đó, kinh tế Việt Nam năm nay cũng tăng trưởng thấp, chỉ khoảng 6,2-6,3%. Ngành XK như hàng nông, thủy sản hầu như đã đến ngưỡng về sản lượng, nhiều mặt hàng Việt Nam đã từng XK hiện nay lại phải NK như điều, thủy sản…. Ngoài ra, nhóm hàng này còn bị ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu khiến sản lượng lúa, nuôi trồng thủy sản, các loại rau quả… bị ảnh hưởng. Nhóm hàng XK chủ lực là công nghiệp chế biến cũng có chiều hướng giảm hơn so với năm ngoái.
Với những khó khăn này, Bộ Công Thương đã đề ra hàng loạt giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu. Theo ông, các biện pháp mà Bộ Công Thương đưa ra đạt được hiệu quả ra sao và biện pháp nào là trọng tâm nhất?
Chính phủ cũng như Bộ Công Thương đề ra nhiều biện pháp để đẩy mạnh XK. Theo đó, có 3 nhóm giải pháp.
Thứ nhất, tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN để hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy XK như: Cải cách thủ tục hành chính, thủ tục nộp thuế, thủ tục hải quan, Cơ chế một cửa quốc gia, khuyến khích DN sản xuất hàng XK từ nguyên liệu sản xuất trong nước, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cả ở XK và trong nước, nhất là các sản phẩm nông sản, cảnh báo biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước (chống bán phá giá, chống trợ cấp), hỗ trợ DN tìm kiếm đối tác, điều hành tỷ giá, chính sách tín dụng cho XK.
Thứ hai, đẩy mạnh phát triển thị trường XK như: Cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, kết nối DN với đối tác…
Thứ ba, tận dụng các FTA đã và đang ký kết và chuẩn bị có hiệu lực. Tuyên truyền phổ biến về các FTA trong đó hướng dẫn và thực hiện quy tắc xuất xứ; vận hành hệ thống cấp C/O.
Nếu không có những biện pháp nói trên thì XK còn khó khăn hơn nữa. Nhờ những biện pháp này, chúng ta đã đẩy mạnh XK đạt mức khoảng 7,5-7,7% trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm, kinh tế Việt Nam khó khăn, XK của nhiều nước trên thế giới thấp.
Trong bức tranh XK màu xám ấy, vẫn có những điểm sáng. Theo ông, đâu là điểm sáng và đâu là lý do khiến nhiều mặt hàng mới nổi có sự tăng trưởng tốt như vậy?
Năm nay, xuất hiện một số mặt hàng tương đối mới có tốc độ tăng trưởng cao. Cụ thể: Rau quả tăng 30% so với năm 2015- vượt qua cả mặt hàng gạo; bánh kẹo kim ngạch chưa lớn nhưng đã được tách thành mặt hàng riêng, tăng 17%; thức ăn chăn nuôi 17%; xơ sợi dệt tăng 14%.
Ngoài ra, còn có những mặt hàng truyền thống có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng như cà phê tăng 26%, hạt điều tăng 16%, hạt tiêu tăng 16%.
Một trong những lý do khiến cho các mặt hàng này có mức tăng trưởng tốt là nhờ nỗ lực của Chính phủ và DN trong việc thúc đẩy sản xuất, XK và tiếp tục mở cửa thị trường. Tôi xin lấy một ví dụ, đó là XK quả vải của Việt Nam trong năm 2016 tương đối tốt. Nhờ các biện pháp đẩy mạnh XK, quảng bá, tuyên truyền nên quả vải đã được nhiều nước đón nhận. Thay vì chỉ XK sang Trung Quốc, năm nay quả vải đã XK sang được một số thị trường khó tính như Australia, Hàn Quốc…
Ngoài ra, có một nguyên nhân khác giúp các mặt hàng nêu trên tăng tốt là nhu cầu thế giới với những mặt hàng này có tính ổn định.
Sự đóng góp vào kim ngạch XK của các DN có 100% vốn trong nước so với các DN FDI năm nay có gì khác không, thưa ông?
DN FDI đến nay vẫn đóng vai trò chủ lực của XK. Trong 3 năm gần đây, tăng trưởng của DN FDI có xu hướng chậm lại, năm 2014 tăng trên 15%, 2015 giảm xuống dưới 14% và năm nay chỉ khoảng 8-9%. Tuy nhiên, tỷ trọng vẫn tiếp tục tăng, từ 68% của năm 2014 lên gần 71% vào năm 2015 và khoảng 71,5% trong năm 2016. Điều này đồng nghĩa rằng, tỷ trọng DN trong nước vẫn giảm, còn tăng trưởng không đều 10,4% của năm 2014, -3,5% của năm 2015 và năm nay khoảng 4,8%.
Qua đây, chúng ta thấy tỷ trọng của DN FDI vẫn tiếp tục tăng nhưng tốc độ đã giảm dần, còn DN trong nước tỷ trọng vẫn tiếp tục giảm và tốc độ tăng không đều.
Vì sao lại như vậy? Là bởi không xuất hiện những mặt hàng đột biến, nhóm DN FDI cũng không tăng trưởng cao như những năm trước đã làm cho tổng kim ngạch XK của cả nước không đạt 10%. Theo thực tế hiện nay, kim ngạch XK của Việt Nam muốn tăng trưởng 10% thì DN FDI phải tăng trên 10%.
Khép lại năm 2016 với bao khó khăn, liệu rằng năm 2017 XK sẽ khả quan hơn khi có tiền đề là các FTA Việt Nam đã và đang chuẩn bị ký kết?
Năm 2017, Quốc hội đề ra mục tiêu khiêm tốn hơn 6-7% do nhận thấy kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn. Quy mô XK ngày càng lớn nên tiềm năng để tăng trưởng càng khó, bởi theo quy luật khi tổng kim ngạch càng lớn thì tăng trưởng càng nhỏ. Mặt khác, sản xuất trong nước vẫn dự báo tiếp tục khó khăn khi nhiều ngành đã đến “ngưỡng” và cũng chưa có ngành hàng mới tăng trưởng đột biến. Hy vọng rằng, với một loạt các FTA chúng ta đã ký kết sẽ giúp cho XK của Việt Nam tăng trưởng khả quan hơn.
Xin cảm ơn ông!
Phan Thu (thực hiện)
733 Tổng số lượt xem, 1 ngày hôm nay