Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài: Thúc đẩy hợp tác kinh tế
Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cho rằng, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài có vai trò lớn trong hỗ trợ, kết nối cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời, là kênh quan trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế. Tại buổi gặp giữa các hiệp hội doanh nghiệp với Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài do VCCI và Bộ Ngoại giao tổ chức mới đây, ông Vũ Quang Minh – Trợ lý Bộ trưởng kiêm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao) – cho biết, trưởng cơ quan đại diện đợt bổ nhiệm này gồm 24 Đại sứ đặc mệnh toàn quyền và 10 Tổng lãnh sự. Đáng chú ý, các tân Đại sứ và Tổng lãnh sự nhận nhiệm vụ tại những khu vực là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như Đông Nam Á, châu Âu, Trung Đông, Bắc Mỹ và Nam Mỹ… Quang cảnh buổi gặp giữa các hiệp hội doanh nghiệp với Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài do VCCI và Bộ Ngoại giao tổ chức Nét mới cuộc gặp năm nay là Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm, đưa ra khuyến nghị đối với doanh nghiệp. Theo ông Trần Ngọc An – người được bổ nhiệm làm Đại sứ Việt Nam tại Anh, còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan niệm rằng, xuất hàng sang các nước phải là thứ gì đó “cao siêu”. “Vấn đề không phải như vậy. Châu Âu thời tiết khô, nếu có được chai dầu gội như doanh nghiệp giới thiệu tại đây nếu đúng 3 – 7 ngày không gầu, tôi bảo đảm sẽ bán rất chạy. Quan trọng, chất lượng phải đúng như quảng cáo” – ông Trần Ngọc An nhấn mạnh. Ông Vũ Quang Minh kể: Không ít lần, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam nhận được đề nghị từ phía doanh nghiệp trong nước nhờ can thiệp giúp đòi lại tiền mà phía đối tác không chịu trả. Tuy nhiên, đòi được tiền rất khó. Do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu phải thận trọng, nhất là trong thanh toán. Câu chuyện phối hợp để chắp nối cho hàng Việt Nam vươn xa cũng được các tân Đại sứ chia sẻ. Theo đó, không ít doanh nghiệp chỉ mang hàng đi bán thay vì chắp nối, tiếp thị để chuẩn bị cho bước xa hơn. Đây là điều hết sức lo ngại. Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TNG Holdings (đơn vị chuyên phát triển các khu công nghiệp) – cho rằng, bên cạnh việc đưa doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài, thu hút doanh nghiệp nước ngoài cũng rất quan trọng. Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường gợi ý: Các Đại sứ Việt Nam tại nước ngoài định kỳ 6 tháng hoặc một năm có thể tổ chức gặp gỡ, xúc tiến đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam ngay tại thị trường bản xứ để “một công đôi việc”, vừa đưa doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài, vừa thu hút được doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Ông La Mạnh Tiến – Tổng giám đốc Tổng công ty Chè Việt Nam – chia sẻ: Lượng chè xuất khẩu của Việt Nam chiếm tới hơn 90%, trong đó, thị trường khu vực Trung Đông có nhu cầu rất lớn. Nhưng hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu chè sang thị trường này lại “cô đơn”, chưa nhận được nhiều hỗ trợ của cơ quan ngoại giao Việt Nam. Được biết, sau buổi gặp gỡ, các cơ quan đại diện sẽ có buổi làm việc với VCCI nhằm tìm ra phương án thành lập quỹ hỗ trợ chương trình xúc tiến thương mại. Nguồn quỹ được huy động từ doanh nghiệp, tổ chức bên ngoài…
Nguồn: Báo Công Thương
555 Tổng số lượt xem, 1 ngày hôm nay
- Theo dõi chúng tôi trên Twitter