Non classé

Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bôxít

CôngThương – Dự án điện phân nhôm đầu tiên ở Việt Nam

Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông, do Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân đầu tư tại Khu công nghiệp Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông. Dự án có diện tích sử dụng 114 ha, thời gian xây dựng dự kiến 2 năm, sản xuất nhôm thỏi công suất 450.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 575 triệu USD. Dự án được đầu tư một lần nhưng trong quá trình đầu tư sẽ chia làm ba phân kỳ (Phân kỳ I: đạt công suất 150.000 tấn/năm vào cuối năm 2016; Phân kỳ II: đạtc ông suất 300.000 tấn/năm vào cuối năm 2017; Phân kỳ III: đạt công suất 450.000 tấn/năm vào cuối năm 2018, đầu năm 2019)

Đây là dự án trọng điểm của quốc gia, khẳng định tầm nhìn của Chính phủ tại Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bôxít giai đoạn 2007 – 2015, có xét đến năm 2025. Nhà máy điện phân nhôm khi vận hành sẽ tạo điều kiện đồng bộ hóa và khép kín chuỗi công nghiệp khai thác bôxít – chế biến alumin – sản xuất nhôm thỏi và công nghiệp chế biến nhôm thỏi, có tác dụng hỗ trợ tích cực cho hiệu quả kinh tế Dự án Nhà máy alumin Nhân Cơ; là một mắt xích quan trọng kết nối công nghiệp bô xít và công nghiệp phụ trợ, có ảnh hưởng sâu rộng đến ngành nhôm nói riêng và nền công nghiệp nói chung.

Được biết, dự án điện phân nhôm do các đơn vị tư vấn hàng đầu trong ngành nhôm như Công ty Kỹ thuật HRV (Iceland), Công ty Tư vấn ngành nhôm ACE (Mỹ), Công ty Hữu hạn thiết kế Trung Nam CSUI (Trung Quốc). Công nghệ điện phân nhôm với dòng điện 500kA sản xuất nhôm kim loại thuộc loại công nghệ hiện đại nhất hiện nay trên thế giới và mới chỉ sử dụng ở 5 nhà máy điện phân nhôm tại một số nước. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, sản phẩm của dự án là nhôm thỏi phù hợp với các tiêu chuẩn thương mại quốc tế, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường và thay thế sản phẩm nhôm nhập khẩu.

Công trường nhà máy sản xuất alumina Nhân Cơ

Cùng với chế biến alumin của Vinacomin, nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông củaCông ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quânsẽ là đầu tàu tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng “ngành kinh tế chủ lực” ở Tây Nguyên, trên cơ sở đó góp phần quan trọng để Tây Nguyên cất cánh trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính của khu vực cũng như căn cứ địa vững chắc về quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội xứng tầm là địa bàn chiến lược “Mái nhà của Đông Dương”.

Đem lại nhiều ý nghĩa thiết thực

Với tiềm năng tương đối dồi dào về tài nguyên bôxít và nhu cầu nhôm ngày càng tăng cao cũng như lợi thế của nhôm kim loại trong nền kinh tế, Dự án điện phân nhôm Đắk Nông sẽ có vai trò tạo sự khởi đầu đột phá cho việc hình thành một ngành kinh tế quan trọng của nước ta trên nền công nghiệp bô xít – nhôm đồng bộ.

Dự kiến, nếu vận hành, trước hết, nhà máy sẽ đáp ứng nhu cầu nhôm (là loại nguyên liệu cơ bản của thế kỷ 21, về quy mô sản xuất và tiêu thụ đứng thứ 2 sau sắt và thứ nhất trong kim loại màu), thay thế nhập khẩu, góp phần cải thiện cán cân thương mại và cân đối ngoại tệ.

Thứ hai, giúp Nhà máy alumin Nhân Cơ của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam tiêu thụ toàn bộ sản lượng alumin ổn định và lâu dài. Giảm lưu lượng và chi phí vận chuyển, góp phần cải thiện hiệu quả của Nhà máy chế biến alumin Nhân cơ. Nếu hình thành nền công nghiệp bô xít – nhôm đồng bộ sẽ góp phần và tạo điều kiện xây dựng, phát triển, nâng cao hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn và Tây Nguyên, trên cơ sở đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Tây Nguyên.

Ngoài đóng góp cho NSNN và địa phương, sản xuất được nhôm trong nước sẽ góp phần tăng cường tính ổn định và chủ động hơn trong việc đáp ứng nhu cầu nhôm thỏi của nền kinh tế. Đồng thời, góp phần thiết thực hình thành và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp điện phân nhôm. Đến nay đã có một số đối tác liên hệ nghiêm túc với Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân để hợp tác đầu tư sản xuất phần hạ nguồn của nhôm thỏi (cán kéo nhôm định hình, sản xuất vành bánh xe và các phụ kiện từ nhôm v.v.), hiệu quả kinh tế lan toả của khâu này rất lớn.

Điều đáng nói, dự án còn đem lại các lợi ích về xã hội như tạo việc làm trực tiếp trong Nhà máy điện phân nhôm khoảng 935 người (bình quân trong 15 năm). Ngoài số lao động trực tiếp làm ở Nhà máy, một số loại lao động khác sẽ có cơ hội cung cấp dịch vụ cho lao động trong Nhà máy như dịch vụ vệ sinh công nghiệp, ăn uống, nhà ở, giặt là, giữ trẻ, giải trí v.v… Đóng góp này của Dự án Nhà máy điện phân nhôm sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng của nông nghiệp và tăng tỷ trọng dịch vụ tại địa bàn tỉnh Đắk Nông, góp phần nâng cao trình độ dân trí, văn hóa, an ninh quốc phòng, trật tự xã hội trên địa bàn và Tây Nguyên.

Quỳnh Minh