Non classé

TPP với hàng nông sản: Tạo liên kết chuỗi

CôngThương – Đan xen cơ hội và thách thức

Theo các chuyên gia kinh tế, khi Hiệp định TPP có hiệu lực, doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thể tiếp nhận công nghệ tiên tiến được chuyển giao từ các quốc gia thành viên TPP, từ đó đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến và tăng giá trị các sản phẩm nông sản xuất khẩu (XK).

Chẳng hạn, nếu một nhà đầu tư tại Nhật hoặc Mỹ muốn hợp tác với DN Việt Nam, họ sẽ đưa quy trình công nghệ tiên tiến để DN sản xuất theo nhu cầu của họ, điều này sẽ giúp các DN Việt Nam tìm hiểu công nghệ mới, hòa nhập với chuỗi giá trị của hàng nông sản toàn cầu.

Ngoài ra, TPP có thể mang đến cho DN cơ hội tiếp cận các thị trường nhập khẩu nông sản lớn thông qua việc loại bỏ các hàng rào thuế quan. Dù vậy, rất có thể các quốc gia thành viên sẽ áp dụng hàng rào kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ cao nên khả năng thực tế để nông sản nhiệt đới thâm nhập vào các nước cũng hạn chế.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, Việt Nam sẽ gặp khó khăn với các sản phẩm chăn nuôi ở Mỹ, Australia, New Zealand, nhất là Mỹ – nơi các hàng rào phi thuế quan có tiêu chuẩn ngày càng khắt khe. So với các nước tham gia TPP, khả năng cạnh tranh của Việt Nam còn thấp, năng lực sản xuất và công nghệ còn hạn chế, trong khi phải đối mặt thường xuyên với các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Đặc biệt là vấn đề bảo vệ bản quyền liên quan đến giống và công nghệ Việt Nam vẫn còn lúng túng, trong khi rất nhiều nước trong TPP đều triển khai khá tốt vấn đề này.

Tạo liên kết chuỗi

Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, để tận dụng cơ hội và đối phó với thách thức, ngành nông nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng, hiệu quả đi theo toàn bộ chuỗi bằng cách tổ chức lại sản xuất, liên kết giữa nông dân và DN, tăng hàm lượng chế biến, quản lý chất lượng sản phẩm cũng như khẳng định thương hiệu.

Cụ thể, Việt Nam phải đặt ra tiêu chuẩn cho các bên tham gia hoặc tổ chức lại từ khâu nuôi trồng của nông dân. Trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, DN phải làm được mô hình liên kết sản xuất với nông dân, bảo đảm cung cấp đầu vào, ứng vốn trước để các hộ nông dân làm đúng quy trình canh tác, có thời gian giám sát đầy đủ. Nếu DN bảo đảm điều kiện về kho, nhà máy chế biến thì có thể cho DN mua tạm trữ hoặc ưu đãi mặt bằng đất đai. Đó là cách để DN có động lực thay đổi. “Nhà nước chỉ hỗ trợ ban đầu, khi DN đã chấp nhận đầu tư lớn, có khách hàng thì sẽ chủ động “chạy” và nông dân cũng được hưởng lợi theo”– TS. Thành chia sẻ.