Trái cây Việt rộng đường vào Mỹ
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết để giúp nông dân canh tác đúng quy trình kỹ thuật, đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu, nhất là thị trường khó tính như Mỹ, cục sẽ hỗ trợ và hướng dẫn cho các địa phương, nông dân các vùng trồng chuyên canh những sản phẩm trái cây này tối đa về mặt kỹ thuật, chăm sóc như: chiếu xạ, quy cách đóng gói…
Không thể chần chừ được nữa!
Trước khi chính thức xuất khẩu 2 loại trái cây nói trên, Cục Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp với kiểm dịch viên Mỹ tại Việt Nam xây dựng danh sách mã vùng trồng vải, nhãn; các nhà máy phải xây dựng xong bản đồ liều lượng… Trái cây vào Mỹ phải đáp ứng được một số tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm. Cụ thể, ngoài yêu cầu phải được trồng trên vùng đất được đăng ký, mỗi lô hàng phải kèm theo chứng chỉ của Cục Bảo vệ thực vật xác định sản phẩm phù hợp với quy định, khi xuất phải được chiếu xạ để loại bỏ vi khuẩn dịch hại…
Theo TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu không còn đơn thuần là thời cơ trước mắt mà là việc phải làm để tồn tại và phát triển. Nếu không làm thì sẽ “chết”. Ngay cả ở thị trường nội địa, sắp tới, trái cây và nông sản Thái Lan sẽ tràn vào thông qua kênh phân phối mà Tập đoàn BJC vừa mua lại của Metro. Hàng hóa từ các nước trong khu vực, các thị trường lớn cũng sẽ vào Việt Nam nhiều hơn thông qua các hiệp định thương mại. Không thể chần chừ thêm nữa, dứt khoát phải thực hiện tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp để cạnh tranh với hàng hóa của các nước khác.
Trái cây, nông sản muốn vào Mỹ phải đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, vào châu Âu phải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Hiện ở Việt Nam, diện tích cây ăn trái đạt chứng nhận VietGAP chưa nhiều và nông dân chưa có nhận thức đầy đủ về an toàn vệ sinh thực phẩm. PGS-TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho rằng: “Nên có sự liên kết phối hợp giữa nông dân với nhau, nông dân với doanh nghiệp. Nhà nước giữ vai trò quản lý, ngoài việc hỗ trợ nông dân làm VietGAP, GlobalGAP cần có định hướng cho doanh nghiệp; không để xuất khẩu cạnh tranh thiếu lành mạnh, giành giật thị trường, khách hàng của nhau bằng cách giảm giá, giảm chất lượng sản phẩm tiếp diễn. Song song đó, phải có sự phối hợp chặt chẽ của 4 “nhà”: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà kinh doanh và nhà nông cùng nâng chất lượng trái cây, tăng khả năng cạnh tranh”.
Vào được thị trường Mỹ khó tính, chất lượng và giá bán của trái vải Việt Nam sẽ được nâng lên đáng kể Ảnh: THANH XUÂN
Đồng quan điểm, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương – ông Trần Thanh Hải – cho rằng ngành chế biến nông sản sau thu hoạch của Việt Nam chưa theo kịp thế giới, giá trị thu về quá thấp so với tiềm năng. Hơn nữa, người trực tiếp làm ra sản phẩm nông sản lại thu được quá ít giá trị mà phần nhiều hơn rơi vào tay các doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp phân phối của mạng lưới bán lẻ ở nước ngoài. “Giải pháp tháo gỡ theo tôi ngoài thúc đẩy công nghiệp chế biến thì quan trọng nhất là sự phối hợp, hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp trong tìm kiếm thị trường. Trong đó, nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, đưa ra chính sách nhưng doanh nghiệp cũng phải chủ động đề xuất, tham gia phản biện chính sách, tham gia tích cực quá trình đàm phán, tham vấn để nhà nước biết nhu cầu của doanh nghiệp thế nào…” – ông Hải nói.
Theo ông Phạm Đồng Quảng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – việc Mỹ mở cửa cho nhãn và vải Việt Nam mới chỉ là điều kiện cần, còn sản phẩm chúng ta có thực sự vào được Mỹ hay không thì vai trò đầu tàu của các doanh nghiệp cần phải được phát huy nhiều hơn nữa. Gia tăng quảng bá hình ảnh, tìm kiếm đối tác mới là điều quan trọng. Khi có thị trường rồi, lúc đó sẽ liên kết với nông dân và cơ quan quản lý nhà nước, cùng nhau dốc sức để làm ra sản phẩm đạt yêu cầu của đối tác.
Cơ hội tiếp nối cơ hội
Theo số liệu mới nhất của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 8 ước đạt 110 triệu USD. Tính chung 8 tháng đầu năm ước đạt 961 triệu USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2013. 8 tháng, ngành rau quả xuất siêu 599 triệu USD. Còn theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm, nhìn chung xuất khẩu rau quả vào các thị trường đều tăng. Trung Quốc vẫn đang là thị trường xuất khẩu chủ lực với hơn 258 triệu USD, 53,72% so với cùng kỳ năm 2013; kế đến là các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Hà Lan, Thái Lan, Đài Loan, Malaysia, Singapore. Mỹ đang là thị trường tiêu thụ rau quả lớn thứ tư của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đạt hơn 30,8 triệu USD, tăng 9,54% so với cùng kỳ.
Việt Nam đã xuất khẩu thanh long vào Mỹ từ năm 2008, đến năm 2011, trái chôm chôm tiếp tục xâm nhập thị trường này, năm 2014 đến lượt trái vải và nhãn. PGS-TS Phạm Tất Thắng – nghiên cứu viên cao cấp Viện Thương mại, Bộ Công Thương – cho biết trong tương lai gần, trái xoài, mãng cầu và một số loại khác sẽ tiếp tục được xúc tiến đàm phán xâm nhập Mỹ.
Cũng theo PGS-TS Phạm Tất Thắng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã làm việc với phía Nhật Bản và họ đã đồng ý chuyển giao công nghệ cho chúng ta bảo quản được trái vải 3 tháng trở lên. Bộ đang tiếp tục hoàn tất những thủ tục cần thiết để có thể chính thức tiếp cận công nghệ. Ông cho rằng tín hiệu Mỹ mở cửa thị trường cho một số nông sản Việt Nam sẽ càng có giá trị hơn khi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được đàm phán và đạt được những tiến bộ nhất định. Nếu ký kết thành công TPP thì trái cây Việt Nam vào thị trường Mỹ sẽ rất thuận lợi bởi những ưu đãi của hiệp định này và lợi thế thị trường Mỹ rất rộng lớn.
Doanh nghiệp phải tự tổ chức sản xuất
Là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về xuất khẩu trái thanh long, thời gian qua, Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) đã tăng xuất khẩu thanh long sang những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật… để giảm dần lệ thuộc vào thị trường chính là Trung Quốc. Ông Trần Ngọc Hiệp, giám đốc công ty, cho biết với đơn hàng xuất đi Trung Quốc và các thị trường dễ tính, công ty thu mua từ các hộ nông dân. Thanh long xuất đi châu Âu, Nhật đòi hỏi gắt gao về chất lượng, vệ sinh dịch tễ… nên bắt buộc công ty có vùng nguyên liệu riêng cho những thị trường này. Thực tế trên cũng diễn ra với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản khác. Sở dĩ doanh nghiệp phải tự tổ chức sản xuất thay vì chuyển giao quy trình kỹ thuật, hướng dẫn nông dân sản xuất sạch rồi thu mua là do ý thức trách nhiệm của nông dân còn thấp, không tuân thủ đúng quy trình, điều kiện sản xuất nên không bảo đảm chất lượng đầu ra. Thói quen này của nông dân một phần bắt nguồn từ sự dễ dãi của thị trường, đặc biệt là từ các nhà nhập khẩu Trung Quốc. T.Nhân |
TS Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam:
Giá bán sẽ cao hơn Trước đây, trái nhãn chủ yếu xuất đi Trung Quốc. Nếu mở rộng thị trường sang Mỹ thì chắc chắn chất lượng phải được nâng cao và giá bán sẽ cao hơn. Diện tích nhãn trồng ở miền Nam vào khoảng 34.000 ha, trong đó cũng có nhiều điểm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Nhãn là loại cây có thể xử lý ra trái quanh năm, đáp ứng được số lượng lớn xuất khẩu. Về khó khăn, do quá xa nên phải xuất bằng đường máy bay, chi phí cao nhưng bù lại giá bán sẽ cao.
Đối với trái vải, hằng năm vải cho trái trùng vào mùa trái cây ở miền Nam và trùng vào mùa vải ở Trung Quốc (từ tháng 4 đến tháng 8). Vì vậy, vải nước ta chủ yếu tiêu thụ nội địa và năm nào cũng bị dội hàng. Nếu mở rộng sang được thị trường Mỹ không những tránh được tình trạng này mà giá bán cao, nhà vườn thu được lợi nhuận. Hiện nước ta đã xuất khẩu sang Mỹ trái thanh long và chôm chôm, sắp tới là vải và nhãn. Ngoài ra, có những loại trái ngon mà người Việt Nam và người châu Á ở Mỹ rất thích ăn là bưởi và xoài. Thời gian tới, có thể chú trọng để xuất khẩu 2 loại này. Nếu làm thêm tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP thì sẽ xuất đi dễ dàng. Mỹ cũng đang chấp nhận cho trái cây Việt Nam đạt chuẩn VietGAP, miễn là họ truy xuất được nguồn gốc. Một số diện tích trồng bưởi và xoài đã đạt chuẩn GlobalGAP nhưng phải cần có thời gian và thông qua hiệp định thương mại giữa 2 nước thì mới xuất khẩu được. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Ban Chỉ đạo sản xuất rải vụ thu hoạch cây ăn quả do Cục trưởng Cục Trồng trọt làm trưởng ban. Ban này có nhiệm vụ giúp bộ trưởng trong chỉ đạo, phối hợp điều hành và quản lý thực hiện kế hoạch lịch thời vụ cây ăn quả vùng Nam Bộ, trước mắt tập trung vào 5 loại trái cây chủ lực: thanh long, xoài, nhãn, sầu riêng, chôm chôm. Những tỉnh nào có diện tích trồng nhiều trong 5 loại trái cây đó sẽ đứng ra điều tiết sản xuất, trồng rải vụ. Ca Linh ghi |
Theo Thanh Nhân – Văn Duẩn – Thùy Dương (Người Lao Động)