Mỹ muốn trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam
Đó là khẳng định của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Ossius tại Hội thảo “Việt Nam – Hoa Kỳ: Thêm 20 năm thành công nữa”, sự kiện mở đầu cho các hoạt động kỷ niệm kéo dài suốt năm nay nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ song phương, được tổ chức ngày 26/1, tại Hà Nội.
Đại sứ nhấn mạnh, 20 năm qua là nền tảng vững chắc cho quan hệ Việt – Mỹ cất cánh và là điểm bắt đầu cho một câu chuyện dài hơn và phong phú hơn rất nhiều trong quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia. Quan hệ hai nước đã đa dạng hơn rất nhiều so với thời điểm bình thường hóa. Chính phủ Việt Nam tiếp tục chiến lược hội nhập, mở ra rất nhiều cơ hội kinh tế và ngoại giao, đất nước Việt Nam đã thịnh vượng hơn nhiều, người dân đã có tiếng nói mạnh mẽ hơn.
Được biết, hợp tác kinh tế vẫn là điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, Mỹ hiện đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam kể từ năm 2005. Đặc biệt, tổng kim ngạch thương mại hai nước năm 2014 ước đạt khoảng 35 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hơn 28 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2013. Nước này cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 vào Việt Nam với khoảng 700 dự án và tổng vốn gần 10,7 tỷ USD, chưa kể đầu tư của doanh nghiệp Mỹ qua nước thứ 3.
Theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, bốn Tuyên bố chung Việt Nam-Hoa Kỳ đã khẳng định quan điểm chung của hai nước về mối quan hệ nhiều mặt và mang tính xây dựng dựa trên sự tôn trọng, bình đẳng và vì lợi ích của cả hai bên. Cam kết của cả Việt Nam và Hoa Kỳ về việc hoàn thành đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm nay thể hiện khát vọng mạnh mẽ xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn và ổn định hơn.
Theo đó, Đại sứ Osius hy vọng, hai bên sẽ sớm hoàn thành Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), mong muốn đưa Mỹ, đang là nhà đầu tư số 1 ở Đông Nam Á, trở thành nhà đầu tư số 1 ở Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, nhận định, mối quan hệ Việt – Mỹ đã phải trải qua một chặng đường khó khăn để có ngày hôm nay. Chính việc xây dựng lòng tin và nỗ lực thúc đẩy quan hệ dựa trên lợi ích song phương là những nguyên tắc quan trọng nhất để gạt bỏ khó khăn và khác biệt giữa hai đất nước. Ngoài ra, việc cam kết của Việt Nam và Mỹ trong việc sớm kết thúc đàm phán TPP cũng thể hiện sự quyết tâm của hai nước để đưa quan hệ song phương phát triển tốt đẹp, bền vững. Có thể nói quan hệ đối tác hai nước đã chín muồi, vượt ra khuôn khổ song phương và có ý nghĩa đối với khu vực và toàn cầu.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, hai nước đã thành công trong việc chuyển từ kẻ thù thành bạn, rồi thành đối tác toàn diện. “Tuyên bố chung năm 2013 giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama đã mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước, nhấn mạnh các nguyên tắc độc lập, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng hệ thống chính trị của nhau và tạo cơ chế cho hợp tác trong nhiều lĩnh vực, kể cả hợp tác chính trị ngoại giao, kinh tế thương mại, quốc phòng an ninh, giải quyết hậu quả chiến tranh, thúc đẩy hợp tác nhân quyền”- Thứ trưởng Hà kim Ngọc cho biết.
Trên thực tế, Việt Nam và Mỹ đã trở thành một phần không tách rời trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương – một khu vực đầy tiềm năng để trở thành trung tâm kinh tế chính trị trên thế giới trong thế kỷ 21. Việc Mỹ tham gia một cách sâu rộng hơn nữa trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các bên.
Với mục tiêu này, hai nước cần phải ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xây dựng cấu trúc khu vực, hỗ trợ ASEAN trong việc thúc đẩy các thiết chế đa phương do ASEAN khởi xướng, đặc biệt là Diễn đàn Đông Á.
Bên cạnh đó, về mặt kinh tế, Việt Nam và Mỹ cần phải làm việc với các đối tác khác trong khu vực để củng cố và thúc đẩy các cơ chế trong khu vực có sự tham gia của cả hai nước như TPP và APEC. Theo đó, 9 trụ cột trong quan hệ Việt – Mỹ được xác định trong khuôn khổ Đối tác toàn diện cần phải được theo đuổi một cách hài hòa, trong đó việc hợp tác về kinh tế và thương mại phải được ưu tiên hơn. Việc thúc đẩy các mối liên kết về kinh tế được coi là những sợi dây gắn kết chặt chẽ giữa hai nước và cần phải được coi là mục tiêu và động lực cho mối quan hệ Việt – Mỹ, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhận định.
Viet Nam Maker
36 lượt xem, 1 trong hôm nay