Non classé

Xuất khẩu vào Ả-rập Xê-út: Chủ quan sẽ mất thị trường

Một số chủng loại cà phê của Việt Nam XK sang thị trường Ả-rập Xê-út chứa tạp chất – Ảnh: Hà Ninh

Thưa ông, hàng trăm ngàn tấn nông, thủy sản đã bị từ chối NK, chủ các lô hàng phải làm gì?

Theo quy định của Hải quan Ả-rập Xê-út, khi một lô hàng không đáp ứng được các điều kiện liên quan đến tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của nước này sẽ không được cho thông quan và tiến hành tiêu hủy tại chỗ hoặc gửi trả lại nhà xuất khẩu (XK). Đối với trường hợp nhãn mác không đúng quy định (thiếu thông tin yêu cầu trên nhãn mác sản phẩm, thiếu thông tin bằng tiếng Ả-rập, quy cách sản phẩm bên trong không đúng như ghi trên nhãn mác…) thì nhà XK cần liên hệ nhà NK tại Ả-rập Xê-út làm việc với Tổng cục Hải quan Ả-rập Xê-út, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Ả-rập Xê-út (SFDA) đề nghị được thay nhãn mác mới tại chỗ theo đúng quy cách.

Vụ việc này có ảnh hưởng tới uy tín hàng nông, thủy sản Việt Nam?

Theo số liệu của Cục Thống kê và thông tin trung ương Ả-rập Xê-út, tỷ trọng nhóm hàng nông, thủy sản NK từ Việt Nam mới chỉ chiếm 0,6% tổng kim ngạch NK của Ả-rập Xê-út đối với nhóm hàng này, tuy vậy, tỷ trọng còn rất khiêm tốn so với dung lượng thị trường nhưng lại chiếm tới trên 20% tổng kim ngạch XK của Việt Nam sang thị trường Ả-rập Xê-út. Một số mặt hàng như: Cá phi lê đông lạnh, hạt tiêu, cà phê, hạt điều đã có chỗ đứng nhờ chất lượng tốt, giá cạnh tranh. Đối với vụ việc vừa qua, dù số lượng hàng không đủ tiêu chuẩn chất lượng chưa nhiều nhưng đã có tên một số mặt hàng thuộc nhóm nông, thủy sản chủ lực của Việt Nam XK sang Ả-rập Xê-út. Do vậy, việc tiếp tục thông tin, cảnh báo sớm đối với các doanh nghiệp XK Việt Nam là rất cần thiết nhằm duy trì hình ảnh, uy tín của hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam tại thị trường tiềm năng này.

Qua vụ việc này, chúng tôi cũng muốn cảnh báo với các doanh nghiệp XK nông sản, thực phẩm cần tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn, bởi Ả-rập Xê-út có những quy định hết sức chặt chẽ đối với thực phẩm XK, ví dụ: Các loại thực phẩm chức năng có dán nhãn ghi các nội dung như: Tốt cho sức khỏe, giảm mỡ máu… đều bị cho là vi phạm quy định về nhãn hàng hóa. Kể từ năm 2013, SFDA đã tăng cường các hoạt động giám sát việc XK nông sản, thực phẩm.

Theo Thương vụ Việt Nam, nhiều bạn hàng Ả-rập Xê-út phản ánh hàng nông sản Việt Nam (hạt tiêu, cà phê, hạt điều…) chứa nhiều tạp chất. Hiện Ả-rập Xê-út đã tăng cường mức độ giám sát nên việc hàng hóa không đủ tiêu chuẩn sẽ khó xâm nhập thị trường.

Bài học rút ra từ vụ việc này cho các doanh nghiệp Việt Nam là gì, thưa ông?

Vụ việc vừa rồi có 2 nguyên nhân chính. Về khách quan, gần đây do một số sản phẩm nông sản, thực phẩm từ Ấn Độ, Pakistan bị SFDA phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu vượt quá mức cho phép, nên ngoài việc cấm NK một số sản phẩm nông sản từ các nước trên, SFDA đã tiến hành kiểm tra chặt chẽ hơn đối với hầu hết hàng hóa từ các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Nguyên nhân chủ quan là do các doanh nghiệp Việt Nam chưa cập nhật đầy đủ thông tin và thực hiện đúng quy định. Thị trường Ả-rập Xê-út có nhu cầu NK hàng thực phẩm, nông sản lớn nhất Trung Đông, lên tới khoảng 26 tỷ USD và tăng trung bình 8,2%/năm. Bởi vậy, khi có nhiều doanh nghiệp XK sang trường này sẽ nảy sinh cạnh tranh không lành mạnh.

Vụ việc vừa qua là lời cảnh tỉnh đối với những doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi XK vào Ả-rập Xê-út.

Xin cảm ơn ông!