Lão nông miền Tây kiếm tiền tỷ nhờ nuôi cá nước ngọt ở cửa biển
Hơn 20 năm trước, ông Phạm Ngọc Ánh (Hai Ánh, sinh năm 1947) dẫn vợ con về ấp Hố Gùi, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau mua lại miếng đất bị chê là khó làm ăn để phát triển mô hình kinh tế nước ngọt.
Miếng đất ông Hai chọn mua hồi ấy giá rất rẻ nhưng vẫn không có ai mua, do vị trí nằm sát cửa biển Hố Gùi, hàng năm nước biển dâng cao cuốn trôi cây cối và khiến đất bị nhiễm mặn.
Ông Hai Ánh trồng bông súng lấy tiền mua cá tạp. |
“Khó khăn, vất vả dữ lắm. Hồi đó không biết bà nhà tôi đã khóc bao nhiêu lần. Bà ấy trách tôi sao không chịu ở thành thị mà đưa về đây ở trong căn chòi nhỏ giữa rừng. Tôi nói, đất ở đâu cũng vậy nó không phụ lòng người, chỉ sợ con người không đủ sức và nghị lực khai phá nó…”, ông Hai Ánh nhớ lại.
Từ bị gọi là “khùng”, nhưng chỉ vài năm sau đó, bằng ý chí và nghị lực của mình, ông đã khiến cho dân xứ biển này phải thán phục.
Ông kể, sau khi mua lại 14 ha đất rừng, ông bắt tay ngay vào công việc cải tạo đất. Hàng ngày ông ra sức đào mương, lên liếp, khai thông dòng chảy để nuôi tôm, nuôi cua… Đúng như suy tính của ông, vuông tôm hơn 10 ha đã cho thu hoạch hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Chưa dừng lại ở đó, dù đã thu được lãi từ nuôi tôm, cua, ông Hai nghĩ ngay tới việc phải trồng rau, nuôi cá, nuôi heo, rồi gà vịt. Trước mắt là để phục vụ cho bữa ăn gia đình, nếu có nhiều thì sẽ đưa ra chợ bán.
Nắm bắt được thổ nhưỡng của vùng đất này là vào khoảng tháng 10 âm lịch hàng năm nước mặn sẽ dâng cao, nên khi đào mương nuôi cá nước ngọt, ông Hai Ánh lên liếp cao hơn mực nước dâng. “Ban đầu tôi chỉ dám đào một ao hơn 500 m2 để nuôi thử, thả đủ loại như: cá tra, tai tượng, cá bổi, điêu hồng… Đến cuối năm, ao cá nước ngọt này cho thu hoạch hơn 500 kg cá. Sau khi trừ tất cả chi phí tôi còn lãi hàng chục triệu đồng. Hăng máu, tôi quyết định đào thêm nhiều ao, áp dụng nhiều mô hình mới như nuôi ba ba, nuôi gà, vịt.., còn trên bờ thì trồng đủ các loại rau màu, cây ăn trái”, ông kể.
Ông còn ươm cả ba ba giống. |
Từ một ao cá nước ngọt ban đầu, ông Hai Ánh nhân rộng ra thành 5 ao với diện tích hơn 4.000 m2, một năm cho thu hoạch hai lần với hơn 2 tấn cá các loại. Hơn 20 năm qua, mô hình nuôi cá nước ngọt của Hai Ánh đã đem lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình ông.
Ông tiết lộ, để có được nước ngọt, trong quá trình đào mương, ông đặt ống dẫn nước ngọt từ giếng khoan ra từng ao. Đồng thời làm hệ thống thoát nước mặn ở tầng đáy nhằm phòng ngừa ngấm vào khi mùa nước dâng. Sau khi chuẩn bị ao mương kỹ càng, lúc đó ông mới bắt đầu thả cá giống xuống nuôi. Ban đầu, khi cá nhỏ, Hai Ánh sang vùng U Minh tìm bèo về thả xuống ao làm thức ăn cho cá. Đến khi cá lớn, ông mua các loại cá tạp từ ngoài cửa biển về cho ăn.
Điều thú vị là lão nông này còn nghĩ ra mô hình trồng bông súng Đà Lạt ở 5 ao để lấy tiền mua cá tạp. Bông súng bán một kg giá 10.000 đồng, mỗi ngày thu hoạch khoảng 20 kg, trong khi cá tạp mua chưa tới 3.000 đồng một kg.
Tính đến nay, ông Hai Ánh đã có trong tay vài chục ha đất, trong đó có 18 ha đất rừng đước đang vào độ tuổi thu hoạch, 12 ha nuôi tôm, tổng nguồn thu khoảng một tỷ đồng mỗi năm.
Ông Nguyễn Truyền Thống, Chủ tịch UBND xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn cho biết, ngoài việc biết làm giàu cho gia đình, ông Hai Ánh còn nhiệt tình truyền đạt kinh nghiệp giúp bà con ở địa phương.
Đặc biệt, trước khi chia sẻ kinh nghiệm, lão nông này đều cẩn thận thử nghiệm trong ao nuôi nhà mình trước, nếu thấy hay mới quyết định phổ biến để mô hình được nhân rộng. Mới đây, ông còn thử nuôi hàu gạch, ba ba và trồng thanh long…, bước đầu đều đem lại hiệu quả, nếu thuận lợi, thời gian tới, ông sẽ tiếp tục chuyển giao cho bà con.
Phúc Hưng
37 lượt xem, 1 trong hôm nay