Non classé

Nông dân nhiều ruộng nhất Miền Tây: Khi đi xe Mercedes, lúc xài Audi

Ông nói “tôi lớn lên ở ruộng đồng, sống cùng nông dân và tự hào với xuất thân của mình. Nhiều người hỏi tôi sao không mở doanh nghiệp, làm giám đốc, tôi bảo, tôi chỉ thích được gọi là Út Huy, bậc cha chú thì cứ kêu tôi là thằng Huy cho gọn”.

Tư duy của chuyên gia

Ông Út Huy là nông dân, nhưng lại có tư duy và tầm nhìn của một chuyên gia với lối nói chuyện gợi mở, cuốn hút người đối diện. Nhớ hôm đầu tiên càphê với nhau, tình cờ chúng tôi bâng quơ về chuyện Đồng bằng sông Cửu Long đất đai trù phú, ruộng vườn thẳng cánh cò bay, từng là đất hứa của người dân cả nước, nhưng hiện nay không hiểu sao người dân lại không có việc làm, sống nghèo khó và túng quẫn đến mức có thể tìm đến cái chết để giải thoát, có khi chỉ vì mấy triệu đồng.

Nông dân nhiều đất nhất miền Tây: Huy mía, Huy ớt, Huy bò và trên cả “vua” tôm

Và ông làm chúng tôi giật mình khi nói: “Nói dân Đồng bằng sông Cửu Long nghèo khó do không có việc làm là không chính xác, bởi việc làm không thiếu. Phải nói là hiện nay họ không còn động lực sản xuất, làm giàu”. Ông kể, hiện nay, ông có khoảng 300 nhân công làm việc thường xuyên, thu nhập ổn định, nhiều người phải đóng thuế thu nhập. Nhiều gia đình sống lâu năm với ông, cả vợ chồng con cái đều là công nhân nông nghiệp.

“Làm cho tôi, thu nhập và đời sống ổn như vậy, nhưng hiện nay tôi lại tìm không ra người, dù đến bao nhiêu tôi nhận bấy nhiêu. Thậm chí có gia đình đang làm cho tôi có con đi làm công nhân trên Sài Gòn lương tháng có hơn 3 triệu đồng, tôi bảo cho cháu về đây tôi trả gấp đôi, thậm chí gấp 3 nhưng mấy đứa vẫn không chịu về. Tụi hắn thích ở Sài Gòn làm công nhân hơn là về quê làm nông dân, dù thu nhập cao gấp nhiều lần”.

Kỹ sư Võ Quang Thuận bên chiếc máy cày của gia đình.

Lan man qua chuyện chính sách và dự báo, ông nói, nền nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long đang chết bởi 2 yếu tố: Báo cáo láo và không biết dự báo. “Các chính sách vĩ mô cho Đồng bằng sông Cửu Long lâu nay toàn bị hoạch định sai, không sát với thực tế do báo cáo láo, hệ quả của bệnh thành tích. Tôi lấy ví dụ thời điểm này, tôm nuôi ở miền Tây chết gần hết nhưng người ta chỉ ghi trong báo cáo là vài chục hécta. Rồi mỗi hécta tôm chết, Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, nhưng để lấy được số tiền đó thì nói thiệt là trầy vi tróc vảy, nên cũng chẳng ai thèm đi báo chết làm gì, chính quyền địa phương ưa báo cáo sao thì báo cáo. Rồi các dự án về nông nghiệp, thuỷ sản, tôi chứng kiến người ta toàn làm láo. Có người không hề gặp tôi, nhưng lại vẽ ra số liệu từ các dự án tôi đang làm rất tròn trịa và như thật để lấy tiền nhà nước”.

Về dự báo, ông bảo thực tế còn tệ hơn và có phần lỗi của báo chí. “Ví dụ truyền thông nói cam đang lên giá và đi tìm các mô hình trồng cam hiệu quả để khuyến khích người khác làm theo, nhưng không dự báo được ngày mai sẽ thế nào, hệ quả là trồng ra nhiều, bán không ai mua. Nhà nước cũng vậy, không ai nói cho dân biết cam đang lên giá nhưng trồng ra bán cho ai, trồng bao nhiêu thì vừa, nhu cầu của thị trường ra sao? Tóm lại thiếu thông tin thị trường, lao động nông thôn vừa thiếu vừa yếu, lại không quản lý được; thiếu sự gắn kết giữa sản xuất – chế biến – tiêu thụ… là những khó khăn cơ bản của ngành nông nghiệp hiện nay, cũng là những khó khăn tôi đang gặp phải”.

Hai con trai đám cưới cùng một ngày

Tư duy và tầm nhìn xa của ông Út Huy không chỉ để “chém gió” như với chúng tôi, mà còn được cụ thể hoá bằng những chính sách và việc làm cụ thể trong sản xuất, kinh doanh của mình. Cách đây nhiều năm khi mới làm kinh tế trang trại ở Đức Huệ, có mấy kỹ sư nông học xin về thực tập. Khi ra trường, ông tìm cách thuyết phục họ ở lại làm việc cho mình, bởi “sản xuất nông nghiệp với quy mô công nghiệp như tôi mà không có lao động kỹ thuật cao thì không làm được”, và nhiều người đã ở lại lâu dài với ông.

Chưa hết, ông có hai con trai, con lớn là Võ Quang Thuận (sinh năm 1982), được ông hướng nghiệp và đã tốt nghiệp kỹ sư nông học ở Trường Đại học Nông lâm, sau đó về quê giúp ông phụ trách kỹ thuật. Con thứ là Võ Xuân Hoà (sinh năm 1984), tốt nghiệp ngành tài chính ở Đại học Aucklan (New Zealand), sau đó cũng về quê giúp ông kinh doanh. Ngay cả cô con dâu út là người Thái Lan, tốt nghiệp thạc sĩ ở New Zealand, cũng theo chồng về làm dâu đất phèn.

 Ông có vẻ rất vui và tự hào về cô con dâu này: “Ban đầu gia đình tôi cũng ái ngại chuyện khác biệt giữa hai nền văn hoá, dù gì mình cũng là nông dân rặt mà. Thế nhưng qua mấy mùa hè, cô bé qua đây tập tành làm nông dân, rồi học tiếng Việt, tập nấu món ăn nhà quê… nên thấy cũng bình thường, với lại hai đứa sống với nhau hạnh phúc nên cả nhà tôi ai cũng vui”.

 Lạ nữa là cả hai con trai khi lấy vợ, ông… gộp 2 đám cưới làm chung một ngày “để quan khách đi một lần cho khoẻ!”. Người thân, bạn bè hết khuyên can rồi lo lắng, bảo dựng vợ gả chồng là chuyện quan trọng nhất của đời người, sao không coi ngày lành tháng tốt, lỡ sau này có chuyện gì thì sao?

Ông cười bảo “đám cưới, suy cho cùng chỉ là người thân, bạn bè đến làm chứng cho tụi hắn danh chính ngôn thuận để… ngủ với nhau, có gì đâu phải chọn ngày? Với lại từ đời sống cho đến chuyện làm ăn, tôi đều không mê tín. Tôi cho rằng con người ta sống ở đời, đức sẽ thắng số, cứ sống tử tế, không hại người, tích nhiều phúc đức thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi”.

Ông tâm sự, để có được thành công như bây giờ, ngoài chuyện tầm nhìn, thiên thời địa lợi, những trợ thủ đắc lực là hai con trai… còn có sự đóng góp lặng lẽ nhưng không thể đong đếm được của người phụ nữ đầu gối tay ấp bao nhiêu năm nay. “Tôi ngày xưa không có điều kiện học hành, chỉ suýt đậu tú tài (trung học phổ thông) rồi bỏ luôn. Vợ tôi là người cùng quê, mấy chục năm cưới nhau luôn là người chia sẻ đắng cay ngọt bùi cũng như quân sư cho tôi mỗi khi tôi bí bách” – ông nói.

Trở lại với chuyện nông dân Út Huy đi làm bằng ôtô Mercedes S300, rồi chiếc Audi Q7 giá tiền tỉ. Có người bảo, Út Huy giờ đây đủ tiền mua cả… máy bay, chứ xe cộ là chuyện nhỏ. Thực hư điều này ra sao? Ông cười: “Vì đất nhiều, lại xa nơi ở, cả nhà tôi ai cũng buộc phải có ôtô để di chuyển. Như hai đứa con tôi phải liên tục di chuyển trong vùng sình lầy nên mỗi đứa chọn một chiếc bán tải hai cầu. Tôi thì cho rằng, dù cưỡi máy cày hay Mercedes bạc tỉ thì tôi vẫn là nông dân Út Huy chứ không lẫn với ai khác…”.

Trong tất cả những cuộc trò chuyện với chúng tôi, lần nào ông cũng nhắc đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi nước mắt mới là đồng tiền vui, và vui hơn nữa nếu được sử dụng có ý nghĩa. Ngoài tiêu xài cho gia đình, những việc ý nghĩa mà ông Út Huy phải chi tiền là “con em của hơn 300 lao động trong trang trại sống cùng gia đình tôi, tôi lo cơm và tiền học cho các cháu. Hằng năm, tôi dành ra 50 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học tại địa phương, 400 phần quà cho nông dân nghèo ăn tết và tài trợ chính cho bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện huyện Đức Huệ…”.

Đất của mình nhưng đứng tên người khácÔng Út Huy bảo, thời bao cấp, những người sản xuất lớn như ông không gặp khó vì không vay được vốn và chính sách chưa thông thoáng. Hiện giờ Nhà nước chủ trương phát triển kinh tế trang trại, chính sách tín dụng tạm ổn, nhưng lại vướng bởi chủ trương hạn điền. Ông ôm ra cho chúng tôi xem một đống sổ đỏ của hơn 580ha đất nông nghiệp và than: “Đất đai do tôi bỏ tiền ra mua quyền sử dụng vẫn phải nhờ người khác đứng tên. Thời hạn giao đất cho nông dân vẫn chưa công bằng so với doanh nghiệp. Tôi chưa được hưởng chính sách ưu đãi cho người đi khai hoang phục hoá…”.

 (Theo LĐO)

45 lượt xem, 2 trong hôm nay