Bán lẻ Trung Quốc điêu đứng vì thương mại điện tử
Dạo quanh quầy hàng điện tử nhỏ tại khu chợ Hailong Electronics City (Bắc Kinh, Trung Quốc), Wang Ning ngán ngẩm vì cả tuần chẳng bán nổi mặt hàng nào.
“Nhân viên còn nhiều hơn khách hàng nữa. Mọi người chuyển sang mua online hết rồi”, Wang lắc đầu nhìn quanh những gian hàng trống nơi từng là khu mua sắm nhộn nhịp nhất Zhongguancun – Thung lũng Silicon của Trung Quốc.
Khu chợ có diện tích bằng 6 sân bóng đá này là một trong những nạn nhân của các doanh nghiệp trực tuyến, như Alibaba hay JD. Cuộc cách mạng mua sắm trực tuyến có thể tạo ra 46 triệu việc làm tại Trung Quốc cho đến năm 2025, theo một báo cáo của McKinsey tháng 7 năm ngoái. Trong khi đó, khoảng 31 triệu việc làm truyền thống sẽ bị cắt giảm, tương đương lao động của toàn bộ nước Anh.
Dù đây là xu hướng trên toàn cầu, tốc độ và quy mô tại Trung Quốc lại không cân xứng, Cao Lei – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Thương mại điện tử tại Trung Quốc cho biết. “Internet giúp tăng hiệu suất và GDP, nhưng nó cũng là đòn giáng rất mạnh lên các doanh nghiệp truyền thống. Hiệu sách sụp đổ đầu tiên, sau đó đến hàng thời trang, điện tử, đại lý vé máy bay, và trong tương lai, cả ngân hàng và nhiều dịch vụ truyền thống khác cũng sẽ biến mất”.
Một gian hàng vắng vẻ tại Hailong Electronics City. Ảnh: Bloomberg |
Việc này khiến Li Feng – chủ một gian hàng tại tầng 4 Kemao Electronics City – ngay đối diện Hailong rất lo lắng. “Năm 2004, khi khu chợ này mới mở, lúc nào người mua cũng đông nghịt. Nhưng 5 năm gần đây, việc kinh doanh dần trở nên tồi tệ. Ảnh hưởng của mua sắm trực tuyến đúng là quá lớn”, anh cho biết trong khi đang giết thời gian bằng bộ phim trên TV.
Li đã phải dừng bán lẻ, và giờ chỉ tập trung cung cấp dịch vụ IT cho các khách hàng doanh nghiệp cũ. Tại gian hàng vắng vẻ bên cạnh, các nhân viên đành tụ tập chơi bài vì không có khách.
Theo McKinsey, trào lưu mua sắm trực tuyến có thể đóng góp hơn một phần năm tăng trưởng của Trung Quốc cho đến năm 2025, và chiếm 7-22% tổng GDP giai đoạn 2013-2025. Đến năm 2025, con số này có thể tương đương 14.000 tỷ NDT (2.200 tỷ USD).
Alibaba đã tạo ra hơn 14 triệu việc làm kể từ khi thành lập, Chủ tịch công ty – Jack Ma cho biết tại Diễn đàn Kinh tế thế giới tháng trước. Lý giải về sự tăng trưởng của công ty so với các hãng bán lẻ truyền thống, Ma cho biết: “Nếu anh muốn có 10.000 khách hàng mới, anh sẽ phải xây nhà xưởng, làm nọ làm kia. Nhưng với tôi, chỉ cần 2 cái máy chủ là được”.
“Khi lĩnh vực bán lẻ còn kém phát triển và rải rác, người tiêu dùng ngày càng tìm đến thương mại điện tử để tìm thứ họ muốn. Việc này đã kích thích tiêu dùng tại Trung Quốc”, người phát ngôn của Alibaba cho biết. Tại cuộc họp báo công bố số liệu GDP 2014 tháng trước, Ma Jiantang – người đứng đầu Cục thống kê Trung Quốc cũng cho biết sự tăng trưởng của các doanh nghiệp Internet chính là hy vọng của nền kinh tế.
Dù vậy, có nhiều ý kiến cho rằng vấn đề cốt lõi của nền kinh tế nằm ở bất động sản, và doanh nghiệp Internet khó có thể kéo cả đất nước đi lên. Bên cạnh đó, trong một diễn đàn tháng 8 năm ngoái, Zong Qinghou – người giàu thứ 5 Trung Quốc cũng cho biết: “Cửa hàng online thì cũng chỉ là ảo mà thôi. Nếu họ giết chết nền kinh tế thực, các doanh nghiệp có thể làm gì? Họ có thể bán cái gì nữa?”. Ông cho rằng các doanh nghiệp này “đang đe dọa an ninh kinh tế Trung Quốc” khi bóp nghẹt các cửa hàng phải trả tiền thuê địa điểm.
Hãng sản xuất trang phục thể thao Li Ning được dự báo sẽ thua lỗ năm thứ 3 liên tiếp năm nay và đã phải đóng cửa hơn 1.000 cửa hàng từ năm 2012. Hãng giày Anta Sports cũng đã phải ngừng hoạt động nhiều cửa hàng, một phần do cạnh tranh từ thương mại điện tử.
Ít nhất 300 chợ bán buôn tại Quảng Châu (Trung Quốc) cũng đang trên bờ vực đóng cửa, đặc biệt là cửa hàng thời trang, Guangzhou Daily cho biết. Chợ lớn nhất hiện có hàng trăm gian hàng với cả nghìn nhân viên.
“Xung đột giữa nền kinh tế cũ và mới sẽ gia tăng”, Ouyang Rihui – Phó giám đốc Viện nghiên cứu Kinh tế Internet, thuộc Đại học Kinh tế và Tài chính trung ương cho biết. Các hãng bán lẻ dần biến mất chỉ là ảnh hưởng bước đầu của công nghệ lên thị trường việc làm.
“Thách thức thực sự của Trung Quốc là ở khâu sản xuất. Hãy tưởng tượng đến một ngày, khi tất cả việc sản xuất đều được tự động hóa. Cuối cùng thì nền kinh tế mới cũng sẽ thắng thôi”, ông nhận định.
Hà Thu
94 lượt xem, 4 trong hôm nay