Ảrập Xêút phủ nhận khơi mào cuộc chiến giá dầu
Trong hội thảo tại Abu Dhabi hôm qua, khi nói về các quốc gia không thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Bộ trưởng Dầu mỏ Ảrập Xêút – Ali al-Naimi cho biết: “Nếu họ muốn cắt giảm sản xuất, chúng tôi hoan nghênh thôi. Nhưng chúng tôi sẽ không giảm, chắc chắn Ảrập Xêút sẽ không”.
Ông cũng cho biết mình “100% không hài lòng” với giá dầu hiện tại, nhưng dự đoán thị trường sẽ phục hồi, dù chẳng rõ là đến khi nào. Ông đổ lỗi việc giá cả giảm 50% trong vòng nửa năm là do các nhà đầu cơ, và sự thiếu hợp tác của các nước sản xuất ngoài OPEC. Đây là lần thứ 2 trong 3 ngày, quốc gia này khẳng định không thay đổi sản lượng và để thị trường tự bình ổn.
Bộ trưởng Dầu mỏ Ảrập Xêút – Ali al-Naimi trong cuộc họp tháng trước. Ảnh:Reuters |
Tuyên bố này của ông đã nhận được sự đồng tình của nhiều bộ trưởng năng lượng các nước Ả rập. Bộ trưởng Dầu mỏ Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) – Suhail Bin Mohammed al-Mazroui cũng thúc giục các nước sản xuất trên thế giới không nâng sản lượng năm tới để nhanh chóng bình ổn giá cả.
Thế giới được dự đoán sẽ tiêu thụ ít dầu của OPEC trong năm 2015, do nguồn cung dầu đá phiến từ Mỹ và nhiều nước cạnh tranh khác. Trong khi đó, nhu cầu chỉ tăng không đáng kể.
Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait – Ali al-Omair cho biết OPEC không cần cắt giảm sản lượng và sẽ không tổ chức họp khẩn cấp trước cuộc họp vào tháng 6 năm tới. “Tôi không cho là chúng tôi cần cắt giảm. Chúng tôi đã trao cơ hội cho nước khác, nhưng họ không sẵn sàng làm vậy”, ông nói.
Trong phiên họp hồi tháng 11, OPEC quyết định giữ nguyên mục tiêu sản xuất 30 triệu thùng mỗi ngày và để thị trường tự cân bằng. Lập trường này được coi là sự chuyển biến đáng kể so với chính sách lâu nay – là Ả rập Xê út đóng vai trò điều tiết nguồn cung.
Khi được hỏi về sự hợp tác giữa các nước thành viên OPEC (gồm các quốc gia sản xuất dầu với giá thấp nhất thế giới) và các nước bên ngoài, Naimi cho biết: “Tốt nhất là hãy để các nước có hiệu suất sản xuất cao làm thôi”.
Ông cũng nhận xét quyết định của OPEC về lâu dài sẽ có lợi cho kinh tế thế giới. “Mức giá hiện tại không khuyến khích đầu tư vào năng lượng, nhưng chúng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, dần dần làm tăng nhu cầu và giảm tăng trưởng nguồn cung”. Naimi cũng phủ nhận quyết định của Ả rập Xê út có liên quan đến chính trị và cho biết giá dầu giảm không có ảnh hưởng “đáng kể” đến các quốc gia Ả rập.
Tình hình giá dầu thời gian gần đây đã châm ngòi cho giả thiết Ảrập Xêút muốn kiềm chế cơn sốt dầu của Mỹ, đồng thời làm suy yếu Iran và Nga. Trước đó, thị trường từng có tin đồn Nga có thể cắt giảm sản xuất hoặc xuất khẩu nếu OPEC không làm tương tự. Tuy nhiên, nước xuất khẩu dầu lớn nhì thế giới sau đó khẳng định không có chuyện này.
Hà Thu
35 lượt xem, 1 trong hôm nay