Cây lúa và chiến lược tăng trưởng mới
Gạo, một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đã nếm nỗi đau khi kết thúc năm 2013, xuất khẩu chỉ đạt 6,61 triệu tấn với giá trị 2,95 tỉ USD, giảm 17,4% khối lượng và 19,7% giá trị so với năm 2012.
Ngành gạo Việt Nam cần có giải pháp “xuôi” (bắt đầu từ khách hàng), chứ không phải giải pháp “ngược” (bắt đầu từ sản xuất).
Sản lượng sản xuất và tiêu thụ gạo của Việt Nam.
Gạo Việt Nam cũng đang bị cạnh tranh dữ dội bởi sản phẩm của Ấn Độ, Myanmar, Pakistan và cả Campuchia. Nhưng đối thủ lớn nhất mà Việt Nam cần dè chừng trong năm nay là Thái Lan, khi quốc gia này đang có kế hoạch bán ra một lượng lớn lúa gạo từ kho dự trữ khổng lồ của mình.
Thái Lan xả hàng, Việt Nam lãnh đủ Theo Thông tấn xã Thái Lan, lượng xuất khẩu gạo trong 2 tháng đầu năm nay của Thái Lan đã phục hồi đáng kể, đạt 1,8 triệu tấn, cao hơn Việt Nam và Ấn Độ. Theo dự đoán của Công ty CP Intertrade, Thái Lan sẽ sớm giành lại ngôi vị số 1 thế giới về xuất khẩu gạo trong năm nay khi có thể đạt tới 8,5 triệu tấn, nhờ chất lượng gạo cao và giá gạo giảm. Việc Thái Lan đẩy mạnh xuất khẩu khiến gạo tiếp tục chịu sức ép giảm giá. Theo ông Sumet Laomoraporn, Tổng Giám đốc CP Intertrade, giá gạo thế giới đang tiến gần tới mức thấp nhất và tiếp tục giảm xuống còn 360-380 USD/tấn vào tháng 3 và tháng 4 khi Ấn Độ và Việt Nam bước vào mùa thu hoạch. Chỉ từ nửa cuối năm nay, giá gạo mới có cơ hội phục hồi khi nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia tăng lên cũng như do tác động của hiện tượng El Nino đến sản xuất. Trong những năm qua, Thái Lan đã trợ giá lúa gạo cho nông dân và việc treo giá xuất khẩu quá cao khiến cho kho gạo dự trữ của nước này ngày càng phình to ra. Hiện nay, với khoảng 20 triệu tấn gạo dự trữ và giá gạo thế giới giảm, Chính phủ Thái Lan đang phải đối mặt với khoản nợ khổng lồ. Do đó, áp lực bán bớt để trả nợ cho nông dân là điều tất nhiên. Thế nhưng, việc bán ra của Thái Lan có thể sẽ gây tác động tiêu cực không chỉ đến nông dân Việt Nam, công ty xuất khẩu mà còn đến các đối tượng khác có liên quan như ngân hàng. Một ngân hàng có thị trường hoạt động chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long, chẳng hạn, đã thay đổi chính sách cho vay theo hướng giảm bớt tín dụng cho khu vực nông thôn trong năm nay. Thực ra, điều này không mới. Theo một cuộc khảo sát nhỏ của NCĐT, không ít ngân hàng cho rằng khu vực nông nghiệp – nông thôn chưa phải là thị trường hấp dẫn, ngay cả đối với khối ngân hàng quốc doanh, ngoại trừ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank). Bằng chứng là tỉ trọng cho vay đối với nông lâm thủy hải sản ở VietinBank, Vietcombank và BIDV chỉ dao động trong khoảng 2-5% tổng dư nợ tín dụng tính đến cuối năm ngoái. Riêng Agribank có tỉ trọng cho vay khu vực nông nghiệp – nông thôn lên đến hơn 70% (tính đến cuối tháng 10.2013) với dư nợ hơn 365.000 tỉ đồng. Thế nhưng, Agribank cũng là ngân hàng có nợ xấu thuộc hàng cao nhất Việt Nam, lên đến hơn 12%, theo báo cáo gần đây của Thanh tra Chính phủ. Điều này có thể đẩy nông dân trồng lúa vào tình cảnh khó khăn hơn bao giờ hết khi không có vốn để đầu tư. Vậy còn các chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ để thu mua tạm trữ lúa gạo như gói 8.000 tỉ đồng thì sao? Theo Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, số tiền trên, nếu được sử dụng đúng mục đích, sẽ giúp một bộ phận nông dân bán được lúa và giữ giá lúa không giảm thêm, ít nhất là trong ngắn hạn. “Tuy nhiên, 8.000 tỉ đồng thì chỉ có thể đáp ứng khoảng 15% sản lượng lúa đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long”, ông cho biết. Ở một góc độ khác, Giáo sư Võ Tòng Xuân đặt vấn đề là nông dân được hưởng lợi 30% trên mức giá nào. Đối với hộ nông dân làm theo tiêu chuẩn GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) như VietGap, GlobalGap, giá thành sản xuất chỉ khoảng 2.200-2.600 đồng/kg lúa. Trong khi đó, phần lớn nông dân lại không tuân thủ quy trình này mà thường làm theo kinh nghiệm cá nhân và lời khuyên của các công ty sản xuất thuốc thực vật, nên giá thành cao hơn nhiều, khoảng 3.800-4.000 đồng/kg. Nếu mức 30% lợi nhuận được tính dựa trên giá thành thấp thì những nông dân có giá thành cao vẫn lỗ. Còn nếu tính trên giá thành cao, doanh nghiệp phải mua với giá khoảng 5.000 đồng/kg. Liệu họ có chịu mua với giá này khi đầu ra vẫn bế tắc do nguồn cung thế giới đang dư thừa?
Cần một nền công nghiệp lúa gạo
Trong trung và dài hạn, Việt Nam nên đưa ra chiến lược và giải pháp đồng bộ hơn. Theo ông Nhân, đó phải là giải pháp “xuôi” (bắt đầu từ khách hàng), chứ không phải giải pháp “ngược” (bắt đầu từ sản xuất) như cách làm bấy lâu nay. Nói cách khác, sản phẩm Việt Nam phải có giá trị gia tăng cao và xác định được người mua hàng, tức thị trường ở đâu, nhu cầu bao nhiêu, chất lượng và giá cả thế nào… Từ đó mới điều chỉnh cách chế biến để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, quy hoạch diện tích sản xuất và chọn lựa gói kỹ thuật cũng như nơi trồng nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Do nguồn cung gạo đang dư thừa, thay vì tăng vụ và thâm canh như hiện nay, Việt Nam có thể sản xuất gạo chất lượng cao hơn nhằm tránh sự cạnh tranh ở cấp trung bình trong tương lai với các nước trong khu vực sông Mê Kông, có thể là Myanmar. Bên cạnh đó, việc giảm vụ sẽ giúp duy trì tính bền vững môi trường – sinh thái, giảm chi phí môi trường. Tuy nhiên, có một vấn đề là nông dân sẽ không thể có đủ thông tin về nhu cầu, giá cả và chất lượng. Do đó, “Tổng Công ty Lương thực nên đứng ra làm trung gian nghiên cứu và mở rộng thị trường, để từ đó kết nối với thị trường trong nước và đáp ứng nhu cầu thế giới”, ông Xuân đề nghị. Như vậy, Việt Nam cần quan tâm đến một gói giải pháp đồng bộ của cả một chuỗi ngành hàng, từ thị trường tiêu thụ cho đến lưu thông, chế biến, khâu kỹ thuật, tổ chức sản xuất và cung cấp dịch vụ đầu vào cho sản xuất và chia sẻ lợi tức từ bán hàng với nông dân. Để làm được như thế, cần thay đổi quan điểm từ ngành “sản xuất lúa gạo” thành ngành “công nghiệp lúa gạo”. Trên thực tế, sẽ không cần quá nhiều diện tích trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long như hiện nay, mà vẫn đảm bảo được xuất khẩu. Có lẽ vì vậy, tại một hội nghị được tổ chức vào giữa tháng 3 ở Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập đến việc chấp thuận giảm diện tích sản xuất cây lúa, chuyển sang sản phẩm khác, miễn là đảm bảo có đầu ra. Tuy nhiên, không phải chỗ nào cũng có thể chuyển đổi để trồng hoa màu hoặc nuôi thủy sản, mà cần phải có đánh giá, quy hoạch và thay đổi tư duy – không đa dạng hóa sản xuất ở cấp nông hộ mà ở cấp cộng đồng và vùng. Việt Nam cũng nên đa dạng hóa sản phẩm hơn nữa, chế biến gạo thành thực phẩm như bột, bánh, bún, sữa hay nguyên liệu công nghiệp. Lấy ví dụ của Hàn Quốc. Tại đây, người ta chế biến sữa từ gạo để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nguồn: NNVN Vy Sơn/ Nhịp cầu đầu tư