Chủ tịch FPT: Sẽ tuyển thêm 93.000 nhân viên làm… cửu vạn
Chia sẻ tại buổi tọa đàm lập nghiệp diễn ra chiều 5/4, Chủ tịch CTCP FPT Trương Gia Bình cho biết, FPT năm 2020 sẽ có 100.000 nhân viên, phần đa các nhân viên này sẽ đảm nhiệm công việc “cửu vạn” – tức dịch chuyển từ nền tảng công nghệ cũ sang nền tảng công nghệ mới.
Thời đại công nghệ thông tin đã trải qua các giai đoạn Máy tính lớn (Mainframe); giai đoạn 2: máy chủ, máy trạm; và FPT cho biết, năm 2012 là cuộc cách mạng SMAC – tên gọi tắt của các từ Social – Mạng xã hội, Mobile – Công nghệ di động, Big Data/Analytics – Dữ liệu lớn, Cloud – Điện toán đám mây.
“Người ta nói với chúng tôi rằng đến 2015, người ta dừng sản xuất các máy chủ, máy trạm, tức là máy tính cá nhân ko sản xuất nữa. Như vậy, nếu ngừng sản xuất, tất cả sẽ chạy sang SMAC và quá trình chạy này dự tính là 2 năm. Đây là một cuộc dịch chuyển khổng lồ chưa từng có. Tất cả những gì chúng ta đang quen sẽ bị gạt bỏ” – ông Trương Gia Bình cho biết.
Trong bối cảnh ấy, FPT dự định là “người chuyển nhà” – dịch chuyển từ nền công nghệ cũ sang nền tảng SMAC. “Giả dụ khách hàng đang ở giai đoạn máy chủ, máy trạm mà muốn chuyển sang giai đoạn SMAC thì ai giúp họ chuyển? Chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo, chúng ta sẽ học công nghệ từ những người am hiểu trò này để tạo ra hàng vạn người Việt Nam chuyên nghề cửu vạn hạng cao này” – vị Chủ tịch FPT lạc quan.
“FPT sẽ là số 1 về cửu vạn toàn cầu”, ông Bình hài hước. “Chúng tôi muốn Việt Nam là số 1 về Migration (tạm dịch: Công nghệ dịch chuyển – PV). Và như vậy, động lực bây giờ của chúng tôi là khi nói đến công nghệ thông tin phải nói đến Việt Nam”.
Chủ tịch FPT cũng cho biết, với định hướng này, dự tính đến năm 2020, FPT sẽ có 100.000 nhân viên.
Trả lời quan ngại về việc tuyển dụng số lượng lớn như vậy, ông Bình phân tích: Trong nền tảng công nghệ SMAC, hiện khu vực Mobile đang thiếu 3 triệu lao động, khu vực Big Data/Analytics thiếu 3 triệu lao động. Số lượng lao động các khối trong nền tảng công nghệ này càng ngày càng thiếu, không phải thừa.
“Thế giới người ta đang đi quá xa. Hoặc mình đầu hàng, để Việt Nam thành đất nước bị lãng quên, hoặc phải như họ. Khi chúng ta quyết định là cửu vạn toàn cầu thì số lượng tham gia sẽ đông không thể tưởng tượng, có thể nửa triệu người làm việc cho cái dịch chuyển công nghệ này. Đấy là tham vọng của chúng tôi” – Chủ tịch FPT khẳng định.
Đến hết ngày 31/12/2013, tổng số cán bộ nhân viên của FPT là 17.419 người trong đó có 6.500 kỹ sư, lập trình viên, chuyên gia công nghệ theo tiêu chuẩn quốc tế.
Năm 2013, doanh thu FPT năm 2013, đạt 28.647 tỷ đồng (tương đương 1,36 tỷ USD), đạt 106% kế hoạch, tăng 13% so với năm 2012. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.516 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2012, và chỉ đạt 95% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.065 tỷ đồng.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2014, FPT đặt mục tiêu doanh thu gần 32.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 2.700 tỷ, tăng 6% so với năm 2013. Dự kiến đến năm 2016, doanh thu của FPT sẽ tăng gấp 3 lần con số thực hiện được năm vừa qua.
Thủy Trương
Nguồn: Thời báo Đông Nam Á