Cơ hội mới với thị trường Nga
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục hải quan, hai tháng đầu năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga giảm nhẹ, giảm 0,38% so với cùng kỳ năm 2013, tương đương với 293,7 triệu USD.
Điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng chủ đạo xuất khẩu sang thị trường Nga trong thời gian này, 139,6 triệu USD, chiếm 46,5% tổng kim ngạch, giảm 4,7% so với 2 tháng 2013. Đứng thứ hai là cà phê với 21,2 triệu USD, tăng 31,91%, kế đến là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 15,8 triệu USD, giảm 32,72%…
Điểm mới trong mặt hàng xuất khẩu sang Nga trong hai tháng đầu năm nay có thêm mặt hàng sản phẩm từ cao su và sắn, các sản phẩm từ sắn với kim ngạch đạt lần lượt 156 nghìn USD và 111,8 nghìn USD.
Đối với mặt hàng thủy sản, hai tháng 2014, xuất khẩu sang thị trường Nga tăng khá mạnh, tăng 80,17%, đạt 13,5 triệu USD. Về cá tra, Theo Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biển thủy sản Việt Nam (VASEP), cá tra Việt Nam có thể quay lại thị trường Nga trong tháng 3 hoặc chậm nhất là cuối tháng 4 tới. Trước đó, phía Nga có lệnh ngưng nhập khẩu cá tra từ Việt Nam sau khi đoàn thanh tra của họ đến kiểm tra tại 8 nhà máy chế biến cá tra xuất sang Nga hồi cuối năm ngoái.
Tổng thư ký VASEP- cho hay, ngay sau khi phía Nga đưa ra lệnh không cho phép cá tra của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường kể từ ngày 31/1/2014, VASEP cùng với Tổng cục thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tích cực làm việc với phía Nga để giải quyết vấn đề.
Đây không phải lần đầu tiên cá tra Việt Nam bị cấm nhập vào Nga. Trước đó, vào năm 2008, Nga cũng có lệnh cấm nhập khẩu cá tra từ Việt Nam với lý do không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tỷ lệ mạ băng trong các sản phẩm lên gần 30%.
Giải thích về việc các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nhiều lần phải nhận quyết định tạm ngưng xuất khẩu sang thị trường Nga, Tổng thư ký VASEP nhận định, thực tế vấn đề xuất phát có nhiều khâu, từ nguyên liệu, chế biến đến xuất khẩu.
Đáng chú ý, xuất khẩu sắt thép các loại sang thị trường Nga hai tháng đầu năm tuy kim ngạch chỉ đạt 2,5 triệu USD, nhưng lại có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, tăng 317,19% so với cùng kỳ. Nhìn chung, hai tháng 2014, số mặt hàng xuất khẩu sang Nga có kim ngạch tăng trưởng dương chiếm gần 70%.
Với việc Liên bang Nga tiếp tục rộng mở khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga – Belarus – Kazakhstan dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay, tạo nhiều ưu đãi thuế quan cho hàng hóa xuất khẩu và sẽ mở ra cơ hội cho hàng Việt xuất khẩu vào Nga.
Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nga đang khá thuận lợi khi FTA giữa Việt Nam với Liên minh Hải quan Nga – Belarus – Kazakhstan đã hoàn thành phiên đàm phán thứ 4 vào tháng 2/2014 và dự kiến kết thúc vào cuối năm 2014. FTA này sẽ tiếp tục tạo những thuận lợi lớn cho các DN xuất khẩu Việt Nam được tiếp cận với một thị trường mới, rộng lớn hơn với nhiều mức thuế ưu đãi. Theo Thương vụ Việt Nam tại Nga, khi FTA giữa Việt Nam với Liên minh Hải quan Nga – Belarus – Kazakhstan hoàn thành, nhiều hàng rào phi thuế quan (thủ tục hải quan, thanh toán hàng hóa, quy định kỹ thuật…) với các thị trường thuộc Liên minh sẽ được gỡ bỏ. Nhiều loại thuế sẽ được cắt giảm. Điều kiện phát triển dịch vụ (bao gồm du lịch, dịch vụ kiều hối…) và đầu tư sẽ thuận lợi hơn.
Vài năm trở lại đây, Việt Nam là một trong 7 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào Nga với tốc độ tăng trưởng rất cao, tuy nhiên kim ngạch chỉ đạt khoảng 6,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nga. Với những ưu đãi thuế quan sắp tới, gạo Việt sẽ có cơ hội vào sâu hơn thị trường này.
Cơ hội đang rộng mở, tuy nhiên, nắm bắt được cơ hội này không phải là điều dễ dàng. Theo Tham tán Thương mại -Thương vụ Việt Nam tại thị trường Nga, khó khăn lớn nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam là hầu như không có đầu mối giao dịch thương mại tập trung, ổn định tại Nga nên còn bị hạn chế trong việc theo dõi, nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng để kịp thời có điều chỉnh và chiến lược phù hợp. Bên cạnh đó, Nga là thị trường mở, không khó tính nên việc thâm nhập thị trường dễ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác có lợi thế tương tự về chủng loại hàng hóa, mẫu mã, giá cả… Ngoài ra, dù là thị trường nhập khẩu lớn nhưng cũng tiềm ẩn đầy rủi ro bởi hệ thống pháp lý của Nga chưa bảo đảm. Cơ chế thanh toán khi làm ăn với đối tác Nga còn khó khăn, đặc biệt là việc thanh toán bằng tín dụng thư (L/C) còn ít phổ biến.
Để chiếm lĩnh tốt hơn thị trường này, các doanh nghiệp nên tham gia các hội chợ – triển lãm hàng năm để trực tiếp giới thiệu sản phẩm của mình với đối tác Nga bởi doanh nghiệp Nga có đặc điểm là thích tìm kiếm các bạn hàng trực tiếp thay vì tìm thông tin trên các Website. Bên cạnh đó, việc kết hợp với doanh nghiệp Nga để thành lập các xí nghiệp liên doanh chế biến sâu, gia công các sản phẩm Việt tại lãnh thổ Việt Nam và Liên bang Nga để đưa hàng vào Nga cũng là cơ hội tốt cho việc thâm nhập và mở rộng thị trường hàng Việt ở Nga.