Non classé

Đại điện VIBER tại Việt Nam, thử thách lớn nhất là vượt qua chính mình

Dù thị trường OTT Việt Nam có hàng loạt các tên tuổi nổi tiếng trong nước và Quốc tế như Zalo, Kakao talk, Line, Beetalk,… hay thậm chí là sự tham gia của các nhà mạng như Vinaphone, Viettel, đại diện Viber tại Việt Nam vẫn rất tự tin trong cuộc chiến thị phần.

Thị trường OTT tại Việt Nam từ khi ra đời luôn được coi là một chiến trường khốc liệt với đầy đủ các tên tuổi lớn nhỏ trong nước và quốc tế. Những Viber, Kakao talk, Line, từng thành công tại nước ngoài đều có mặt tại Việt Nam. Ở trong nước, Zalo với tiềm lực mạnh từ VNG cũng sẵn sàng đua tranh quyết liệt. Chưa kể, những nhà cung cấp dịch vụ di động như Viettel, Vinaphone cũng tỏ rõ ý đồ gia nhập thị trường này.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Đặng Quỳnh Anh – Giám đốc văn phòng đại diện Viber Vietnam, đối thủ của Viber tại Việt Nam hiện chỉ có… Viber.

* Chào bà, từ khi chính thức có mặt ở Việt Nam vào đầu năm 2014, tốc độ phát triển Viber hiện nay như thế nào?
Tính đến thời điểm này Viber đã thu hút khoảng 18 triệu người dùng. Hiện tại, Viber đang chiếm hơn 50% thị phần tại Việt Nam và đang dần tiến tới chiếm lĩnh 60% thị phần nội địa trong năm 2015.

* Trong năm qua, khá nhiều tên tuổi OTT lớn như Kakao Talk, Line bỗng dưng “im hơi lặng tiếng”. Dường như sau giai đoạn phát triển bùng nổ, thị trường OTT tại Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại?
Theo tôi, OTT đã trở thành xu hướng toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, OTT đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, Viber cũng không nằm ngoài quỹ đạo này. Tôi không nghĩ rằng đây là thời điểm chững lại, mà là lúc các OTT bước vào “cuộc chiến” cạnh tranh nhằm đem lại nhiều lợi ích hơn cho người dùng.

* Chiến lược của Viber tại Việt Nam là như thế nào, sẽ tập trung vào chất lượng dịch vụ hay phát triển các tính năng đi kèm?
Trong tương lai gần, Viber sẽ tập trung vào nghiên cứu và phát triển các tính năng mới để phù hợp với những thay đổi không ngừng của người dùng. Điển hình là Viber đã và đang tập trung phát triển ứng dụng Public Chats. Ứng dụng này sẽ giúp người dùng liên tục cập nhật thông tin mà họ quan tâm thông qua chiếc smartphone thay vì luôn phải “ôm” laptop bên mình.

* Thách thức lớn nhất đối với dịch vụ OTT đó là vấn đề lợi nhuận, kể cả với những ứng dụng OTT lớn nhất thế giới cũng gặp phải vấn đề này. Viber sẽ giải quyết bài toán này thế nào?
Xin nhấn mạnh là Viber nói không với quảng cáo. Nguồn thu hiện nay của Viber là các dịch vụ tiện ích như Voice Out và Stickers. Trong tương lai, tôi tin rằng người dùng Việt Nam sẽ chịu bỏ tiền để được sở hữu những bộ stickers mình yêu thích thay vì sử dụng miễn phí. Viber sẽ cho ra mắt những bộ stickers độc đáo được dành riêng cho thị trường Việt Nam với mức giá khá “mềm”.

* Vậy ai đang là đối thủ chính của Viber trên thị trường OTT Việt Nam?
Đối thủ của Viber chính là… Viber. Thị phần OTT Việt Nam là chiếc bánh ngon với cơ hội được chia đều cho các nhà phát triển. Nhiệm vụ của chúng tôi là mang đến những tiện ích miễn phí cho người dùng thông qua việc cung cấp nhiều dịch vụ ngày một tốt hơn và đây chính là chìa khóa thành công mà Viber đang đeo đuổi.

* Nói đối thủ của viber chính là Viber liệu có quá tự tin không? Nhất là khi thị trường hiện nay có khá nhiều dịch vụ OTT đã tạo được tên tuổi trong lòng khách hàng, như Zalo, Line hay Beetalk?
Đúng! Các đối thủ của Viber trên thị trường đều là những OTT tiềm năng, tuy nhiên Viber “thách đấu” với chính mình vì mong muốn đem đến một sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn.

* Hiện tại, các nhà cung cấp dịch vụ di động như Vinaphone, Viettel cũng đang tiến công vào thị trường OTT. Viber có nhận định như thế nào về các đối thủ này?
Việc các nhà mạng phát triển OTT không những là một tín hiệu tốt cho thị trường, còn là một thách thức mang tính cạnh tranh cho Viber do những lợi thế sẵn có của họ, cụ thể là lượng thuê bao khổng lồ. Chính vì thế, vấn đề đặt ra cho Viber hiện tại và sau này là làm thế nào để luôn đầu tư, xây dựng, phát triển những tính năng mới để ứng dụng ngày một hữu ích, phục vụ tốt hơn cho người dùng và cộng đồng.

* Cước 3G đã liên tục tăng trong thời gian qua, yếu tố này có ảnh hưởng gì tới hoạt động của Viber tại Việt Nam không? Tại Việt Nam, mối quan hệ giữa các nhà cung cấp dịch vụ OTT và các nhà mạng đang trên đường đi tìm tiếng nói chung. Việc cước 3G liên tục tăng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ hiện nay, cụ thể là wifi, khi nhà nhà đều có kết nối mạng internet thì dịch vụ OTT vẫn được người dùng ủng hộ nhiều.

Tôi nghĩ rằng hai bên cần “mở cửa” với nhau và Viber luôn mong muốn mở rộng cơ hội hợp tác với nhà mạng để cùng phát triển và mang đến lợi ích trực tiếp cho người dùng.

* Thị trường OTT tại Việt Nam trong năm sau sẽ như thế nào? Và kế hoạch 2015 của Viber sẽ là gì? OTT vẫn tiếp tục phát triển để ngày càng hoàn thiện hơn. Ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ ngày một tốt hơn, Viber tiếp tục đẩy mạnh phát triển Public Chats nhằm biến ứng dụng này trở thành một cổng thông tin kiểu mẫu mang tính đột phá so với đối thủ. Bên cạnh đó, trong năm nay Viber cũng sẽ nhanh chóng ra mắt các games giải trí để đem lại những tiện ích hơn nữa cho người dùng.

* Xin cảm ơn bà!

—theo cafebiz—

33 lượt xem, 1 trong hôm nay