Dệt may ‘mở hàng’ đầu năm
May 10 trong ngày ra quân sản xuất đầu năm mới Ất Mùi |
Khởi đầu thuận lợi
Theo ông Lê Tiến Trường- Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) – trong năm 2014, ngành dệt may đã có sự tăng trưởng ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu (XK) đạt gần 24,5 tỷ USD (chỉ sau XK điện thoại và linh kiện). Năm 2015, dự kiến kim ngạch XK đạt 28 – 28,5 tỷ USD. Tại thị trường Mỹ, dự báo XK dệt may của Việt Nam sẽ tăng 13% so với năm 2014, đạt trên 11 tỷ USD. Thị trường EU cũng sẽ tăng trưởng cao khi FTA Việt Nam – EU được ký kết với dự báo kim ngạch XK đạt trên 4 tỷ USD. Tại Nhật Bản, kim ngạch XK dệt may có thể đạt 2,9 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2014. Cùng với đó, nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may của Hàn Quốc tăng mạnh từ những tháng cuối năm 2014 là tín hiệu tốt cho XK dệt may vào thị trường này.
Ông Lê Tiến Trường cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn đặt hàng sản xuất đến hết quý II/2015 như: Tổng công ty May 10, Đức Giang, May Hưng Yên… Ông Phạm Thanh Tùng- Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đức Giang (Dugarco) – cho hay, do làm ăn uy tín, có những bạn hàng truyền thống 15 – 20 năm nên Dugarco đã có đơn hàng sản xuất lớn cho năm 2015. Đặc biệt, việc ký kết hợp tác với Tập đoàn Quốc tế Luen Thai Hồng Kông tháng 2/2015 sẽ giúp Dugarco tiếp cận công nghệ hiện đại, đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là mở rộng thị trường XK.
Xuất khẩu dệt may trong năm 2014 tăng trưởng trên 19% là mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm qua. Dự báo, mức tăng trưởng trên vẫn tiếp tục duy trì trong năm 2015 khi triển vọng tăng trưởng kim ngạch XK dệt may ngay tại các thị trường truyền thống là Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc đang rất lớn. |
Hình thành chuỗi sản xuất khép kín
Để đón đầu những cơ hội, Vinatex hiện hoạt động theo mô hình cổ phần, sẽ tập trung thực hiện chiến lược sản xuất ODM (sản xuất trọn gói kèm thiết kế). Đặc biệt, Vinatex sẽ trực tiếp đầu tư để hình thành năng lực sản xuất trực thuộc công ty mẹ. Vinatex đã chuyển từ mô hình chỉ quản lý về mặt hành chính sang mô hình kết hợp vừa quản lý phần vốn trực tiếp tại công ty cổ phần, vừa đầu tư trực tiếp 100% vốn để sản xuất và kinh doanh. Vinatex đã có nhà máy sợi Phú Hưng có 100% vốn của tập đoàn, ngoài ra còn đầu tư vào Nhà máy may Kiên Giang, sợi Phú Cường, khu đầu tư vải tại Đà Nẵng…
Việc Vinatex tự đầu tư vào sản xuất, đặc biệt là đầu tư vào khâu nguyên liệu ODM nhằm đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu trong bối cảnh hiện nay là bước chuyển rất lớn, tiến tới hình thành chuỗi sản xuất khép kín, qua đó, giảm được nhập khẩu nguyên liệu, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành dệt may.
Các đơn vị thành viên của Vinatex có bước chuẩn bị tích cực đón đầu cơ hội và ứng phó với những thách thức khi các hiệp định thương mại có hiệu lực. Ông Thân Đức Việt- Phó Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 – khẳng định, năm 2015, May 10 sẽ tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, phấn đấu tăng năng suất lao động 10% so với năm 2014, mở rộng thị trường trong nước, đồng thời phát triển thương hiệu May 10 ra thị trường quốc tế, tăng trưởng XK đạt 15%.
Nguồn: Báo công thương