Dự báo xuất khẩu mực, bạch tuộc 2015 khả quan hơn
Hàn Quốc, EU và Nhật Bản là 3 điểm nhấn quan trọng nhất trong XK mực, bạch tuộc năm 2014. Trong đó, Hàn Quốc là sức hút mạnh mẽ nhất, EU đánh dấu sự phục hồi rõ nét và sự khó khăn tại thị trường Nhật Bản. Năm 2014, tổng giá trị XK mực, bạch tuộc đạt gần 483,3 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị XK sang thị trường Hàn Quốc tăng 26,5%; EU tăng 8,7% và Nhật Bản lại giảm 8,3%.
Có lẽ, do hoạt động XK sang thị trường lớn thứ 2 – Nhật Bản gặp khó khăn ngay từ đầu năm 2014 cộng với sự phục hồi dần từ thị trường EU khiến các DN XK nhuyễn thể chân đầu dịch chuyển sự quan tâm mạnh sang Hàn Quốc và Châu Âu (nhất là 3 thị trường đơn lẻ: Italy, Đức, Tây Ban Nha).Chính thức khởi động tại Hà Nội ngày 6/8/2012, sau 8 phiên đàm phán chính thức và 8 phiên họp giữa kỳ, họp cấp Trưởng đoàn đàm phán, ngày 10/12/2014, đại diện Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc đã ký Biên bản thoả thuận về kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc. Hiệp định bao gồm các nhóm nội dung chính về: Thương mại hàng hóa (cam kết cắt giảm thuế quan); Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và Kiểm dịch động thực vật (SPS); Quy tắc xuất xứ, Thuận lợi hóa hải quan, Phòng vệ thương mại, Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT)…
Lần đầu tiên, Hàn Quốc mở cửa thị trường cho những sản phẩm nhạy cảm cao và dành cho Việt Nam ưu đãi cắt, giảm thuế quan, tạo cơ hội XK mới quan trọng đối với các nhóm hàng nông, thủy sản, trong đó có mặt hàng tôm, cá và mực, bạch tuộc. Trong đó, theo lộ trình tới năm 2015 sẽ ưu đãi thuế cho mặt hàng bạch tuộc từ 10% về mức 5%. Đây là cơ hội và lợi thế cho DN Việt Nam XK mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc trong 5 năm tới.Năm 2014, XK mực, bạch tuộc sang thị trường Hàn Quốc khá tốt. Chỉ duy nhất trong tháng 1/2014, giá trị XK mặt hàng này giảm không đáng kể 1,3% so với cùng kỳ năm trước. 11 tháng còn lại, giá trị tăng 3-58% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, QII/2014, giá trị XK tăng mạnh nhất từ 45-58% so với QII/2013.
Năm 2014, tổng giá trị XK mực, bạch tuộc sang thị trường Nhật 112 triệu USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm khoảng 23% tổng giá trị XK. Năm 2014 là năm XK khó khăn và giảm sút của các DN XK mực, bạch tuộc sang thị trường Nhật Bản trên cả 2 phương diện: Nhu cầu NK và sự cạnh tranh gay gắt từ các nguồn cung lớn. QI và QII/2014 là hàng rào kỹ thuật đối với hàng mực, bạch tuộc NK. Yêu cầu cao về chất lượng, kích cỡ đi đôi với giá chững. Theo thông tin từ khách hàng Nhật Bản, lượng hàng tồn kho khá lớn, tiêu thụ chậm.
Với thị trường EU, năm 2014 có thể coi là năm có sự phục hồi XK rõ nét nhất trong các thị trường EU lớn. Trong đó, giá trị XK sang Italy tuy giảm 1,2% nhưng vẫn chiếm tới 11% tổng kim ngạch XK, giá trị XK sang Đức tăng 28% và sang Tây Ban Nha tăng tới 98,4% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, năm 2015, tình hình XK nhuyễn thể chân đầu sang EU tăng trưởng mạnh hơn, từ 15-25% so với năm 2014.
Để đáp ứng được các đơn hàng, DN hải sản Việt Nam buộc phải gia tăng NK nguyên liệu bên cạnh việc nỗ lực tìm kiếm khắp các vùng biển Việt Nam. 11 tháng đầu năm 2014, tổng giá trị NK mực, bạch tuộc của cả nước đạt 36,7 triệu USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, Indonesia là thị trường NK nguyên liệu lớn nhất chiếm 17%, tiếp đó là Đài Loan chiếm 15,7%, Ấn Độ chiếm 12,6%, Trung Quốc chiếm 8,15%… tổng giá trị NK. Tuy nhiên, năm 2015 được đánh giá là sự cạnh tranh trên các thị trường XK lớn sẽ gay gắt hơn, để nâng cao giá trị đơn hàng, tăng sức mạnh, các DN buộc phải tính đến việc gia tăng nguồn nguyên liệu NK.
Nguồn: www.vasep.com.vn
33 lượt xem, 1 trong hôm nay