Giải thể SCIC nếu lỗ 3 năm liên tiếp
Thủ tướng vừa ký phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), có hiệu lực từ 6/8/2014. Theo đó, nhiệm vụ của tổng công ty là tập trung đầu tư và quản lý vốn được Chính phủ giao, thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp, bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp tiếp nhận, quản lý quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp…
Để đảm bảo khối lượng công việc lớn, vốn điều lệ của SCIC lên tới 50.000 tỷ đồng, gấp 10 lần mức vốn ghi trong điều lệ năm 2005. Trong quá trình hoạt động, tổng công ty sẽ được tăng vốn nếu được Nhà nước cấp, tiếp nhận từ các công ty nhận chuyển giao… Chính phủ cũng cho phép SCIC được huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phục vụ kinh doanh, song song với yêu cầu phải có trách nhiệm bảo toàn vốn Nhà nước
Ngoài ra, văn bản quy định rõ hơn về các trường hợp SCIC bị giải thể, phá sản. Ngoại trừ bị kết thúc thời hạn hoạt động hoặc việc duy trì công ty không cần thiết, SCIC sẽ phải giải thể nếu kinh doanh lỗ 3 năm liên tiếp, có số lỗ lũy kế bằng 3/4 vốn Nhà nước hoặc không thực hiện được các nhiệm vụ do Nhà nước giao trong thời gian 2 năm. Trước khi ngừng hoạt động, tổng công ty phải thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
Trường hợp SCIC mất khả năng thanh toán nợ đến hạn phải trả dù đã áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết thì sẽ tiến hành phá sản theo quy định của pháp luật.
Năm 2013, SCIC lãi trước thuế 4.500 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước và vượt kế hoạch đề ra 6%. Với mức lợi nhuận trên, SCIC chuyển nộp ngân sách Nhà nước gần 1.800 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2013, tổng công ty quản lý danh mục đầu tư gồm 369 doanh nghiệp, giá trị sổ sách trên 14.000 tỷ đồng, giá trị thị trường hơn 74.000 tỷ đồng. Tính đến cuối năm ngoái, SCIC đã bán vốn thành công tại 580 doanh nghiệp với tổng giá trị sổ sách trên 1.800 tỷ đồng, thu về cho nhà nước trên 4.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần giá trị sổ sách. Bằng nguồn tiền thu được từ bán vốn và lợi nhuận tích lũy, SCIC đầu tư 12.000 tỷ đồng vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng.
Tháng 12 năm ngoái, Chính phủ đã ban hành Đề án tái cơ cấu SCIC đến năm 2015, quy định đơn vị này này tiếp tục giữ vốn dài hạn tại 4 doanh nghiệp là Tổng công ty Tái Bảo hiểm quốc gia (VNREA), Viễn thông FPT (FPT Telecom), Dược Hậu Giang (DHG), Sữa Việt Nam (Vinamilk) và thoái vốn tại 376 doanh nghiệp khác (chiếm hơn 1/3 số doanh nghiệp đã tiếp nhận vốn). Theo tính toán, các doanh nghiệp được SCIC giữ lại đang là những khoản thu lớn nhất vì hàng năm mang về hàng nghìn tỷ đồng cổ tức.
Huyền Thư