“Không có rủi ro thì không có lợi nhuận”
Ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)
Thưa ông, dệt may được nhận định là ngành có nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài khi một loạt FTA có hiệu lực. Ông nhìn nhận cơ hội này ra sao?
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, tôi cho rằng, không thể không hội nhập, bởi trong kinh doanh không có rủi ro thì không có lợi nhuận.
Khi tham gia các FTA, doanh nghiệp Việt Nam nói chung, trong đó có ngành dệt may sẽ được mở thêm nhiều cánh cửa cho thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, với một nền kinh tế đang trên đà phát triển như Việt Nam thì việc mở rộng thị trường rất quan trọng.
Với vai trò là người đứng đầu doanh nghiệp, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm 3,5 tỷ USD, vừa là đại diện cho doanh nghiệp trong ngành, ông đánh giá như thế nào về sự tận dụng cơ hội mở rộng thị trường của DN dệt may trong thời gian qua?
Dù có những nhận định, cho rằng dệt may là ngành gia công lớn, giá trị gia tăng thấp, thì tôi phải nói rằng, những năm qua, doanh nghiệp dệt may đã tận dụng tốt cơ hội phát triển thị trường, thu hút dòng vốn từ nước ngoài vào làm tăng quy mô của ngành.
Sau 7 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thị phần hàng dệt may Việt Nam tại Mỹ không ngừng tăng lên, từ 3%, thì hiện giờ là 10% (chỉ sau Trung Quốc). Điều quan trọng là thị phần Việt Nam có được ở Mỹ là do lấy từ Trung Quốc. Thị phần của Trung Quốc đã giảm tương ứng từ 50% xuống còn 40%.
Nói thế để thấy rằng, dù ngành dệt may còn yếu về công nghiệp hỗ trợ, phụ thuộc nhập khẩu nguyên phụ liệu, nhưng rõ ràng là các doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực và hiện giờ thì dệt may Việt Nam đã vào được chuỗi cung ứng dệt may toàn câu.
Tôi cho rằng, chuỗi cung ứng toàn cầu tuy có sự cam kết chặt chẽ nhưng lại có tính linh hoạt giữa các đối tác với nhau. Linh hoạt chính là ở địa điểm cung cấp, phản ánh ở câu chuyện của sản xuất hàng dệt may đã dịch chuyển về Việt Nam, và trong quá trình dịch chuyển này, bản thân các nhà cung cấp đã thấy, Việt Nam có năng lực cạnh tranh tốt, khiến cho các nhà nhập khẩu tìm đến.
Nhưng ông cũng từng nói rằng, doanh nghiệp chỉ hưởng lợi từ FTA khi họ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, vậy những DN chưa tham gia vào chuỗi này sẽ ra sao, thưa ông?
Đúng là doanh nghiệp chỉ hưởng lợi từ FTA khi họ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong quá trình này, doanh nghiệp nào tận dụng được lợi ích sẽ vượt lên. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập đó, không phải doanh nghiệp nào cũng thành công. Để cạnh tranh được, doanh nghiệp cần bỏ ra chi phí để điều chỉnh hoạt động, từ gia công đơn giản sang hàm lượng giá trị gia tăng cao. Những doanh nghiệp biết tận dụng lợi ích là những người sẽ vượt lên, có vị trí vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Còn đối với những doanh nghiệp đã đầu tư, nhưng thất bại thì nên hiểu ở góc độ đó là quá trình sàng lọc, sắp xếp lại cơ cấu kinh tế, qua đó để ngành dệt may có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu một cách vững chắc hơn.
Như vậy, tham gia FTA như là một lẽ tất yếu và doanh nghiệp phải chấp nhận cuộc chơi may rủi, ý ông là như vậy?
Như tôi đã nói, việc tham gia vào các sân chơi thương mại lớn vừa là cơ hội nhưng cũng ẩn chứa rủi ro với doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp biết chấp nhận rủi ro thì họ sẽ biết cách đầu tư khác, làm khác để có được lợi nhuận. Các FTA có điểm chung là đều yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cải cách hành chính.
Rõ ràng, yêu cầu đó là tích cực, thậm chí nếu tận dụng tốt thì các hiệp định còn cộng hưởng lợi ích cho doanh nghiệp .Sau nhiều năm hội nhập, thì đến thời điểm này dệt may Việt Nam đang là đối tượng cạnh tranh, níu kéo chặt chẽ của tất cả các quốc gia sản xuất dệt may trên thế giới.
Với riêng Vinatex, là doanh nghiệp đóng góp hơn 13% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đã xác định đổi mới để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu theo nguyên tắc: Phải tăng được năng lực cạnh tranh bằng đầu tư vào lĩnh vực đang có thế mạnh tốt nhất. Đổi mới về năng suất lao động và quản lý nhà máy để tăng năng suất, tiết kiệm thời gian. Rút vốn ở những mảng đầu tư không chủ đạo để tập trung vốn cho mảng cốt lõi, có thế mạnh.
Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 25 tỷ USDTrong đó, xuất khẩu sang Mỹ xấp xỉ 10 tỷ USD, EU 3,5 tỷ USD, Nhật Bản 2,7 tỷ USD, Hàn Quốc 2,4 tỷ USD…
Mục tiêu 2015 xuất khẩu 28,3 tỷ USD. Trong đó, thị trường Mỹ hơn 11 tỷ USD, EU 4,04 tỷ USD, Nhật Bản xấp xỉ 3 tỷ USD, Hàn Quốc 3,02 tỷ USD. |