Nông dân Việt đang còng lưng để nuôi ai?
Miếng bánh ngon dành cho khâu trung gian
Thưa bà, các chuyên gia nông nghiệp hàng đầu đã lên tiếng cho rằng các Tổng công ty lương thực I và II đã lộ mặt con buôn: mua lúa của dân giá rẻ thời điểm thấp giá nhất và đem đi xuất khẩu gạo cũng với giá rẻ, chất lượng thô….mọi thiệt hại đều đổ lên vai người nông dân gánh chịu, nông dân càng làm thì…càng lỗ và rất nhiều nơi họ đã bỏ mặc ruộng hoang. Nhiều đại biểu QH cũng đã nói phải đặt vấn đề này lên bàn nghị sự QH kỳ này. Bà nghĩ sao về cách làm của các công ty lương thực thực hiện nay, nó có dẫn đến tình trạng bần cùng hóa nông dân?
Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét trên của các chuyên gia nông nghiệp. Là một tổ chức đang hỗ trợ nông dân có kiến thức cũng như kỹ năng kỹ thuật để người dân tại 5 tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La và Thanh Hóa đủ năng lực để tự lựa chọn, bảo tồn và phục tráng nguồn giống lúa thuần; tự chủ các giống gen lúa để ứng phó với biến đổi khí hậu, không phụ thuộc vào bên ngoài chúng tôi biết người nông dân đang khó ở đâu.
Người nông dân đang còng lưng nuôi ai và ai dám “chết” cùng họ?
Quá trình triển khai dự án, tôi hiểu được rằng, nông dân trồng lúa nói chung trên cả nước, cũng như đặc biệt ở Đồng bằng sông Cửu long đã mất dần khả năng tự chủ nguồn giống lúa. Do họ không tự chủ nguồn giống, vì thế cũng không thể có nguồn giống lúa chất lượng như Thái Lan để có thể xuất khẩu với giá cao.
Thứ hai do cơ chế đẻ ra chỉ phục vụ cho các công ty thu mua. Rõ ràng phân tích chuỗi lúa gạo thấy miếng bánh dành cho trung gian thu mua, chế biến chiếm nhiều và rất không công bằng với người sản xuất.
Cơ chế thu mua lúa gạo của nông dân với giá rẻ sau đó ghìm lại để bán với giá đắt là một cách làm “chộp giật”, trong khi người dân chẳng có quyền để bảo vệ sản phẩm của mình, chẳng có ai bảo vệ.
Chỉ cần so sánh với Thái Lan, hiệp hội nông dân Thái Lan có cơ chế, bảo vệ quyền của nông dân của mình, trực tiếp ký hợp đồng với các công ty xuất khẩu, vì thế trong chuỗi lúa gạo của họ người sản xuất (nông dân) có quyền ra giá với sản phẩm của họ. Vì họ có quyền cho nên họ cũng rất có trách nhiệm với chất lượng sản phẩm của mình.
Còn với nông dân Việt Nam, họ còng lưng để nuôi ai?, vì thế theo tính tự nhiên của chuỗi, đến lúc nông dân không muốn sản xuất nữa là họ sẽ “chết” tức tưởi, trong khi các công ty kinh doanh lại chuyển hướng kinh doanh, chứ đời nào họ chết cùng nông dân???.
Vấn đề cũng không phải đổ lỗi cho các công ty được, họ được cơ chế, họ được quyền để tung tẩy. Vấn đề là các nhà quản lý có nhìn nhận lại vấn đề này và nhanh chóng có các chính sách cụ thể hỗ trợ để tăng quyền của người nông dân không?
Hiện tại, người nông dân đang phụ thuộc vào giống má, thuốc trừ sâu, phân bón… giống lúa hầu như là của Trung Quốc. Các Viện giống lúa của ta than phiền có sự bao sân từ các Sở NN&PTNT nên dân không tiếp cận được các giống lúa nội cũng có năng suất cao như thế. Phụ thuộc về giống lúa nghĩa là phụ thuộc luôn cả quy trình trồng cấy, chăm sóc, phân bón…và đến khi thu hoạch thì lại bị chính các thương lái, các tổng công ty lương thực ép giá. Mỗi sào lúa, lãi quy ra tiền khoảng 50 ngàn đồng/tháng, tương đương 2 bát phở giá rẻ! Theo bà, chính xác thì người nông dân đang đứng ở đâu giữa các chính sách ưu tiên, ưu đãi của nhà nước? Bộ NN&PTNT đã làm gì để giúp người nông dân bớt điêu đứng?
Tôi thấy nông dân đang thực sự bị o ép, các chính sách có nhiều nhưng thực thi chính sách và công cụ cũng như con người để giám sát lại rất yếu. Vì thế nông dân hầu như không hưởng lợi từ chính sách.
Trong khi đó họ là một phần quan trọng để cấu trúc xã hội, nhưng vai trò, quyền của họ hoàn toàn không được đánh giá. Chừng nào vẫn tồn tại kiểu cách này, chừng đó người nông dân vẫn còn phải chịu thiệt thòi.
Mới chỉ hô khẩu hiệu
Chúng ta có quá nhiều GS, TS, rất nhiều các Viện khoa học và đã từng có khẩu hiệu Nhà quản lý, nhà khoa học và nhà nông cùng đẩy nền nông nghiệp, nông dân đã làm ra sản lượng lúa gạo rất cao, đến mức dư thừa… bà lý giải sao về hiện tượng càng giúp nông dân thì nông dân…càng nghèo? Khúc mắc nằm ở đâu và tại sao, thưa bà?
Vấn đề nằm ở chỗ “hợp tác”, khẩu hiệu 3 nhà, 4 nhà luôn được nêu ra, nhưng thực chất mỗi ngành, mỗi cơ quan nhà nước không có sự hợp tác để giúp nông dân, hội nông dân hay hội phụ nữ chỉ là cơ quan phong trào, trong khi thực chất nó phải là nơi bảo vệ được nông dân, có quyền đưa ra các tiếng nói của người dân.
Bà có nhận xét gì về công nghệ sau thu hoạch hiện nay? Có phải do chạy theo sản lượng mà không chú trọng về chất lượng nên nông dân càng làm ra nhiều sản phẩm thì…càng nghèo hơn? Theo bà, bài học từ Thái Lan và giờ đây là cả Camphuchia có giúp gì cho chính sách nông nghiệp của ta? Bà có cho rằng nông nghiệp Camphuchia đã qua mặt chúng ta, ít nhất là trên thị trường gạo quốc tế?
Quá yếu ở Việt Nam, chẳng có bất cứ một sáng kiến nào, trong nhiều nhiều năm qua cũng không hiểu vai trò của họ và lý do tồn tại nữa. Đáng lẽ với một nền nông nghiệp của Việt Nam do sản phẩm nông sản đặc thù thời vụ, nhanh hỏng… thì công nghệ sau thu hoạch phải rất phát triển, đáng tiếc nó đã không làm được vai trò như vốn dĩ nó phải thế.
Bài học từ vụ dưa hấu xuất sang Trung Quốc chúng ta đã thấy rõ, mà cuối cùng mọi tội lỗi lại đổ tại người sản xuất. Nếu có công nghệ chế biến tốt thì dưa hấu đó có thể sản xuất ra các loại nước giải khát, bánh hay sản phẩm gì đó. Như thế nông dân cũng có lợi mà các nhóm khác tham gia cũng có lợi theo, nhưng rất tiếc chúng ta đã không làm được.
Để rồi khi có chuyện lại loanh quanh đổ lỗi, cuối cùng chẳng ai chịu trách nhiệm. Chỉ có nông dân sẽ chết trên chính mảnh ruộng của họ mà thôi.
Thái Lan hay Campuchia đều có các chính sách rất tốt để phát triển nông nghiệp, tất nhiên vì thể chế khác nhau, cơ chế khác nhau, định hướng khác nhau, nên Việt Nam cũng không thể áp dụng y nguyên những cái của họ.
Vấn đề là nhà nước nên nhìn nhận lại vai trò của nông nghiệp và có chính sách đầu tư tương xứng, thì may ra mới cứu vãn được nền nông nghiệp hiện nay. Còn nếu không các cách làm như hiện tại cũng chỉ là chắp vá, không có chiến lược tương xứng để phát triển nông nghiệp.
Theo nhận định của bà, quyền của người nông dân nên được đặt ra như thế nào trong chuỗi sản xuất lúa gạo?
Họ phải được nâng cao năng lực về sản xuất, kinh doanh, kỹ năng thương thuyết… để tự ra quyết định cho chính sản xuất của họ và gia đình họ, mọi can thiệp không có sự tham gia của nông dân, thì chỉ dẫn đến chỗ lãng phí nguồn lực, kém hiệu quả.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Bích Ngọc
Nguồn: Đất Việt