Non classé

Tình hình sản xuất và nhập khẩu lúa gạo tại một số nước Tây Phi

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã công bố nghiên cứu về xu hướng sản xuất lúa tại 11 nước Tây Phi (trừ Nigeria) trong đó nhấn mạnh đến các nước Burkina Faso, Bờ Biển Ngà (Cote d’Ivoire), Mali và Senegal. Trong vụ kinh doanh lúa 2013/2014, sản lượng lúa của khu vực này đã tăng 11% so với niên vụ 2012/2013. Giai đoạn từ năm 2012 đến 2015, tổng sản lượng lúa của các nước nói trên tăng khoảng 40% trong bối cảnh tiêu thụ gạo tăng 20%. Điều này có thể dẫn đến việc giảm nhập khẩu gạo vào khoảng 18,5%,

Các nước chính có sản xuất lúa tăng trong giai đoạn 2012-3015 là Bờ Biển Ngà (+ 154 %),  Burkina Faso (+ 40 %), Chad (+ 27 %),  Sénégal (+ 26,8 %), Guinée-Bissau (+ 23,8 %) và Mali (+ 19,5 %).

Việc đẩy mạnh sản xuất lúa sẽ biến Bờ Biển Ngà trở thành nước sản xuất lúa lớn nhất vào năm 2015 trong số 11 quốc gia Tây Phi được nghiên cứu.  Kết quả này xuất phát từ việc thực hiện chiến lược phát triển cây lúa với ba mục tiêu chính:

– Khuyến khích nông dân sử dụng  các giống lúa nâng suất cao và các trang thiết bị tốt hơn;

– Khuyến khích đặt các nhà máy chế biến lúa gần các vùng sản xuất;

–  Thúc đẩy đầu tư tư nhân trong lĩnh vực lúa.

Mục tiêu của Bờ Biển Ngà là đạt sản lượng 2 triệu tấn lúa vào năm 2020 và có thể tự cung tự cấp về gạo. Theo USDA, nhập khẩu gạo của Bờ Biển Ngà đang giảm dần  (– 29 % từ 2012 đến 2014 và – 43 %  năm 2015), mặc dù tiêu thụ gạo cũng tăng 50% giai đoạn 2012 – 2015.

Sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ gạo tại một số nước Tây Phi giai đoạn 2012-2015 (Đơn vị: nghìn tấn)

Sản xuất

Nhập khẩu

Tiêu thụ

2012 2013 2014 2015 2012 2013 2014 2015 2012 2013 2014 2015
Burkina Faso 157 210 220 220 390 400 280 300 420 500 520 520
Côte d’Ivoire 550 984 1 200 1 400 1 400 1 150 1 000 800 1 400 1 900 2 000 2 100
Gambie 11 30 35 35 100 100 100 100 110 120 130 135
Guinée-Bissau 105 120 130 130 150 130 130 130 220 230 260 280
Guinée 1 098 1 110 1 250 1 200 340 360 340 350 1 360 1 390 1 480 1 500
Mali 1 130 1 250 1300 1 350 180 140 150 150 1 400 1 450 1 480 1 520
Mauri-tanie 85 100 110 100 170 100 100 100 170 180 190 200
Niger 8 3 25 25 280 280 300 300 283 278 300 325
Sénégal 276 320 290 350 1 200 1 000 1 100 1 100 1 325 1 350 1 400 1 450
Tchad 118 116 150 150 30 45 45 50 123 130 145 170
Togo 73 75 80 90 100 100 100 100 168 170 175 190
Tổng 3 611 4 318 4 790 5 050 4 270 3 805 3 645 3 480 6 979 7 698 8 080 8 390

Nguồn: USDA

Ngược lại, sản xuất lúa tại Senegal lại giảm 9% trong giai đoạn 2013/2014 do điều kiện thời tiết xấu. Dự báo, sản xuất sẽ tăng trưởng trở lại khi chương trình hỗ trợ của chính phủ được triển khai. Tuy nhiên, việc phân tích cũng cho thấy vẫn tồn tại một số vấn đề về khả năng chấp nhận lúa địa phương tại các đô thị của Senegal. Vì vậy, nước này phải nỗ lực cải thiện việc chế biến gạo cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm.

USDA cũng nhận thấy, mặc dù thị trường lúa gạo nhìn chung đã được tự do hóa trong 11 nước Tây Phi nói trên song các chính phủ vẫn có quyền can thiệp vào thị trường. Chẳng hạn, chính phủ Bờ Biển Ngà vẫn bảo lưu quyền hủy bỏ thuế nhập khẩu nếu giá gạo trên thị trường quốc tế tăng trong khi tại Burina Fao, chính phủ giữ vai trò chiến lược trong việc phân phối và thúc đẩy sản xuất lúa thông qua một doanh nghiệp Nhà nước chuyên thu mua thóc và quản lý lượng gạo dự trữ.

Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gạo của Việt Nam  sang Bờ Biển Ngà đạt 228,45 triệu USD, sang Ghi-nê 17,62 triệu USD, sang Xê-nê-gan 17,43 triệu USD, sang Tô-gô 15,40 triệu USD, v.v…

Năm 2014, do sự cạnh tranh gay gắt của gạo giá rẻ Thái Lan và dịch bệnh Ebola tại Tây Phi, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang khu vực này sụt giảm, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Bờ Biển Ngà chỉ đạt 105 triệu USD (214.204 tấn), giảm 54% so với năm 2013, sang Xê-nê-gan đạt 15,2 triệu USD (43.356 tấn), giảm 13%.

39 lượt xem, 1 trong hôm nay