Non classé

Vinatex dùng vốn IPO cho các dự án dệt

Tại họp báo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2014 diễn ra cuối tuần này, Tổng giám đốc Lê Tiến Trường cho biết Vinatex đang đầu tư 51 dự án, trong đó 29 dự án thuộc lĩnh vực sợi dệt.

Trước đó, dù đã có chuỗi cung ứng khép kín từ quay sợi, dệt, nhuộm, cắt…nhưng hiện Vinatex vẫn phụ thuộc đến 37% nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Theo lãnh đạo tập đoàn, với ưu đãi thuế quan cho sản phẩm nội, việc sản xuất vải đang là công cụ cạnh tranh then chốt, giúp sản phẩm dệt may sẽ đáp ứng quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại mà Việt Nam đang tham gia. Việc tập trung vào các dự án dệt sợi cũng sẽ giúp ngành may nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong mỗi sản phẩm.

Sau khi IPO Vinatex tập trung vốn đầu tư xây dựng các nhà máy sợi nhằm nâng cao tỷ lệ nội hóa cho sản phẩm may mặc.

Theo tính toán của tập đoàn, năm nay hơn 100 triệu mét vải sản xuất trong nước (tương đương cho 90 triệu sản phẩm may mặc) đều đã có đầu ra tại các công ty con. Lãnh đạoVinatex cũng kỳ vọng sau khi một số dự án dệt sợi hoàn thành trong năm 2016 quy mô sản xuất vải của ngành sẽ nâng lên 300 triệu mét vải mỗi năm.

“Đó là lý do để phần vốn trên 5.000 tỷ đồng sau khi cổ phần hóa của tập đoàn sẽ dành phần lớn thặng dư để tập trung  đầu tư các dự án liên quan đến nguyên liệu”, CEO Vinatex nhấn mạnh.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh, năm 2014 doanh thu tập đoàn đạt 50.930 tỷ đồng, riêng thị trường nội địa doanh thu đạt trên 20.000 tỷ đồng. Lợi nhuận 1.334 tỷ đồng tăng 5% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 3,26 tỷ USD. Hiện Mỹ  và EU vẫn là hai đối tác lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam.

Từ 1/2 tới, Vinatex chính thức hoạt động theo mô hình cổ phần. Trả lời câu hỏi của VnExpress về việc hoạt động có những thay đổi căn bản thế nào, ông Trường cho hay mô hình hoạt động mới sẽ cho phép công ty mẹ đầu tư 100% vốn. “Từ chỗ quản trị nặng về tài chính, thủ tục, quy trình đến nay khi đã cổ phần hóa được quyết định phần giá trị gia tăng cho phần vốn của mình, bước chuyển căn bản này không hề đơn giản khi công ty mẹ chưa thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều trước đó”, Lãnh đạo Vinatex thừa nhận.

Theo CEO Vinatex các công ty may mặc như Việt Tiến, May 10 “nhìn tưởng lớn” nhưng quy mô vốn chỉ từ 100-150 tỷ đồng, lớn nhất là dệt Phong Phú hơn 700 tỷ đồng vẫn rất khó để hình thành một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh đặc biệt là khâu nguyên liệu trong bối cảnh phải đáp ứng điều khoản tại các hiệp định thương mại.

“Vài trăm tỷ khó đáp ứng được 30% tổng mức đầu tư. Kể cả các công ty  đạt từ 50-70 tỷ lợi nhuận mỗi năm, phải chia đến 25% cổ tức thì gần như các đơn vị này không vốn đểsản xuất”, ông nói. Do vậy việc đầu tư của công ty mẹ tại công ty thành viên sẽ giúp nâng năng lực sản xuất và hoàn thiện chuỗi cung ứng của toàn ngành.

Vinatex là một trong số hơn 500 doanh nghiệp nằm trong lộ trình cổ phần hóa năm 2014-2015 theo Đề án tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Tuần trước, đại hội cổ đông lần đầu của tập đoàn đã diễn ra với sự tham dự của 76 cổ đông, đại diện cho hơn 2.218 cổ đông và nhà đầu tư. Theo đó, các cổ đông đã nhất trí bầu ra 7 thành viên Hội đồng quản trị. Trong đó, ông Trần Quang Nghị làm chủ tịch tập đoàn, ông Lê Tiến Trường đảm nhiệm vị trí tổng giám đốc.

Thành Tâm

33 lượt xem, 1 trong hôm nay