Xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Đông – Châu Phi
Ngày 25/5, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức hội thảo “Xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Đông – Châu Phi”. Tại hội thảo, các ý kiến đều nhận định, Trung Đông – Châu Phi đang là một trong những thị trường xuất khẩu tiềm năng của doanh nghiệp (DN) Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, để thành công ở thị trường này, bên cạnh tìm hiểu kỹ đối tác, thị trường, DN còn phải học tính kiên nhẫn. Theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất – nhập khẩu giữa Việt Nam và các quốc gia Trung Đông những năm qua liên tục gia tăng. Cụ thể, năm 2011, kim ngạch xuất – nhập khẩu Việt Nam – Trung Đông đạt 5,176 tỷ USD, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Đông đạt 2,545 tỷ USD và nhập khẩu từ Trung Đông là 2,631 tỷ USD. Tuy nhiên, đến năm 2016, kim ngạch xuất- nhập khẩu 2 chiều Việt Nam- Trung Đông đã đạt 10,887 tỷ USD, tăng hơn 100% so với năm 2011. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Đông đạt 8,059 tỷ USD và nhập khẩu từ Trung Đông vào Việt Nam đạt 2,828 tỷ USD. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Đông, bao gồm: Điện thoại di động và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng hải sản; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; hạt tiêu; giày dép các loại; sản phẩm dệt may; cà phê, sữa và sản phẩm từ sữa. Những sản phẩm Việt Nam nhập khẩu từ Trung Đông, bao gồm: Phân bón các loại; hóa chất; quặng và khoáng sản; vải; sản phẩm hóa chất… Đối với thị trường châu Phi, ông Lê Thái Hòa – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi- Tây Á- Nam Á cho biết: Năm 2011, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam – châu Phi đạt 4,766 tỷ USD, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang là 3,526 tỷ USD và nhập khẩu từ Việt Nam sang là 1,240 tỷ USD. Đến năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam- châu Phi đạt 5,364 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi là 2,762 tỷ USD và nhập khẩu là 2,602 tỷ USD. Ông Lê Thái Hòa cho biết: Châu Phi là một thị trường có dân số khá đông, gần 1,3 tỷ người, nhu cầu nhập khẩu của châu Phi năm 2016 là 480,7 tỷ USD. Trong đó, họ có nhu cầu đặc biệt lớn đối với các mặt hàng nông sản mà Việt Nam có ưu thế như gạo, hàng thủy sản, hạt tiêu và các loại hoa quả như vải, thanh long…
Ông Lê Thái Hòa – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi – Tây Á – Nam Á: Khi làm việc với các đối tác châu Phi, DN Việt Nam nên tìm hiểu thật kỹ đối tác của mình, vì trên thực tế đã có một số DN gặp rắc rối khi thực hiện các giao dịch xuất hàng sang khu vực này. Dẫn đến tình trạng bị ép giá hoặc không thanh toán được tiền.
Khẳng định với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Văn Tân Cương – Giám đốc Công ty Tư vấn phát triển Halal – là một trong những công ty chuyên tư vấn cho các DN Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Đông – châu Phi cho biết: Thời gian gần đây, rất nhiều DN Việt Nam tìm hiểu các thông tin xuất khẩu sang thị trường Trung Đông – châu Phi. Đây cũng được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng của Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông Trần Văn Tân Cương cũng cho biết, thâm nhập vào thị trường Trung Đông – châu Phi cũng không phải đơn giản đối với các DN Việt Nam hiện nay. Bởi mặc dù tiêu chuẩn hàng hóa vào các thị trường này không khắt khe như thị trường châu Âu hay Mỹ, nhưng đây là khu vực hồi giáo, nên họ có những quy định nghiêm ngặt hơn đối với những sản phẩm nhập khẩu. Bên cạnh đó, ông Lê Thái Hòa cũng cho rằng, thói quen làm việc của người dân Trung Đông – châu Phi cũng hơi “đặc biệt”, họ thường không giao dịch bằng thư điện tử mà thích làm việc trực tiếp. Phong cách làm việc cũng thiếu chuyên nghiệp và khá chậm chạp, nên mỗi đợt giao dịch tốn kém nhiều thời gian của DN. Vì thế, làm việc với đối tác châu Phi, DN Việt Nam phải rất kiên nhẫn mới mong gặt hái được thành công.
Nguồn: Báo Công Thương
797 Tổng số lượt xem, 1 ngày hôm nay
- Theo dõi chúng tôi trên Twitter